1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Dân nghèo vỡ nợ vì "vàng đen”

(Dân trí) - “Thủ phủ hồ tiêu” trong những năm gần đây đang xảy ra tình trạng tiêu chết dần, chết trắng. Từ huyện Chư Sê lan qua Chư Pưh, Chư Prông… đâu đâu cũng hiện hữu những “nghĩa địa tiêu”. Theo thống kê, có khoảng hơn 5.500 ha diện tích tiêu chết rải rác ở khắp các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ám ảnh từng con số

Theo ước tính, đến nay tổng diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh hơn 16.500ha. Nhưng có đến gần 1/3 là số lượng tiêu chết (trong đó tiêu chết do mưa kéo dài gây thối rễ trên 4.500ha; do già cỗi trên 56 ha; do sâu bệnh gần 1.000 ha).

Hơn 32.000 hộ có tiêu chết với khoản nợ hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm đến 2.200 tỷ đồng. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Cận cảnh những "nghĩa địa tiêu" 

Tại các thủ phủ hồ tiêu như Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang (Gia Lai) hàng nghìn nông dân đã cắm nhà, cắm đất để huy động vốn trồng tiêu, nhằm nuôi hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, khi tiêu bắt đầu vào thu hoạch thì tình trạng tiêu chết nhanh bùng phát khiến bà con rơi vào thảm cảnh. Trên mọi ngả đường, rất dễ bắt gặp những “nghĩa địa tiêu”, trơ lại các trụ bê tông giữa vườn. Từng đống dây tiêu, rễ tiêu nằm ngổn ngang bên đường. Cùng với đó là những tiếng thở dài ngao ngán của người trồng tiêu.

Dân nghèo vỡ nợ vì vàng đen” - 1

Vườn tiêu đẹp nhất huyện Chư Prông ngày nào giờ biến thành cây khô

“Tiêu chết, nợ sống”, các khoản nợ vì tiêu ngày một tăng cao cuốn người dân vào vòng xoáy nợ nần. Không chỉ chết bệnh mà tiêu còn chết vì thời tiết. Cụ thể, qua đợt mưa năm 2018, trên địa bàn huyện Ia Grai có gần 500 ha hồ tiêu của người dân bị úng nước chết. Được biết, đa số những diện tích tiêu này đều mới vào vụ thu hoạch chính.

Huyện bị thiệt hại nặng nhất là Chư Pưh, theo số liệu thống kê năm 2018 trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 2.600 hộ bị thiệt hại do trồng tiêu. Tổng số dư nợ của hộ bị thiệt hại là gần 800 tỷ đồng. Tính riêng tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) ước tính các hộ dân còn nợ các ngân hàng trên 250 tỷ đồng. Hầu hết trong số đó đều không có khả năng trả nợ. 

Dân nghèo vỡ nợ vì vàng đen” - 2

Hàng ngàn trụ tiêu chết trắng khiến bà con mất hàng tỷ đồng và lâm vào cảnh nợ nần 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Vang (Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết: “Trên địa bàn xã có khoảng 1.400 lao động đã rời địa phương đi làm ăn xa để trang trải cuộc sống và kiếm tiền trả lãi ngân hàng do trồng hồ tiêu thua lỗ. Có 40 hộ gia đình bỏ nhà vào Nam tìm cách mưu sinh vì hồ tiêu chết hết và nhà cửa đã bị ngân hàng niêm phong. 

“Những khu vực trồng tiêu trù phú một thời giờ cũng trơ lại những trụ tiêu. Nguyên nhân ban đầu giờ có thể là do sâu bệnh, thời tiết khiến cho tình trạng tiêu chết. Hiện chính quyền địa phương đã có rất nhiều báo cáo nhằm kiến nghị lên trên nhằm có hướng giải quyết giúp nhân dân…”, ông Vang cho biết thêm.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại tổng diện tích hồ tiêu chết trên địa bàn là hơn 5.500 ha. Ngoài ra, có khoảng 32.278 hộ dân có tiêu chết rải rác ở khắp các huyện thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh Gia Lai vay trồng tiêu là trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Hiện tại, dù muốn phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương, song những hộ dân này lại không đủ vốn để đầu tư, chăm sóc. Nhiều hộ dân đã bỏ xứ tha hương vì hồ tiêu.

Vòng xoáy nợ nần…

Vườn tiêu đẹp nhất xã Ia Băng, huyện Chư Prông (Gia Lai), nơi mà trước đây người dân vẫn thường lui tới để học hỏi kinh nghiệm, nay chỉ còn trơ lại trụ không. Trước đây, với 3.000 trụ tiêu này, ông Hồ Hồng Lam (49 tuổi, trú tại xã Ia Băng) đã thu về hơn 1 tỷ đồng/năm. Năm tệ nhất của ông vẫn thu về 200 triệu. Còn 3 năm trở lại đây, từ khi tiêu bệnh chết và rớt giá thảm, không những chẳng có đồng nào đút túi mà ngược lại ông Lam còn phải gánh thêm hàng chục triệu đồng tiền lãi.

“Lãi mẹ đẻ lãi con” khiến cuộc sống của hai vợ chồng ông Lam lâm vào cảnh nợ nần. Túng bấn tiền trả lãi, ông Lam đã rao bán mảnh đất tiền tỷ ngày nào để trả nợ nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng. Nhiều lần hai vợ chồng đã bàn cách đi khỏi địa phương để kiếm tiền nhưng phần vì con cháu, phần chưa bán được đất.

Dân nghèo vỡ nợ vì vàng đen” - 3
Chỉ vì hồ tiêu, hơn 26.000 hộ dân vướng vào vòng xoáy nợ nần

Tâm sự với chúng tôi, ông Lam bộc bạch: “Trước kia vườn tiêu của tôi đẹp lắm, từ năm 2011-2015 vẫn cho thu về 1,2 tỷ đến 1,3 tỷ đồng/năm. Thậm chí năm tệ nhất 2017, tôi vẫn thu về 200 triệu đủ trả công cán, thuốc men. Thấy trồng tiêu thu lãi lớn nên năm 2015, tôi mua thêm 2.500 trụ ở huyện Ia Grai chăm sóc nhưng chưa kịp thu thì cả vườn bị úng nước chết sạch. Tiêu thì cứ thế chết rụi còn các khoản nợ cứ thế nhân lên gấp đôi, gấp ba. Sau 2 năm, cả 3.000 trụ tiêu ở cạnh nhà cũng chết hết không còn một cây nên năm 2018 tôi đánh liều trồng hơn 2.000 gốc chanh dây. Nhưng phần vì giống, phần do đất nhiễm bệnh của tiêu nên cũng chết sạch. Vụ chanh đó, hai vợ chồng thiệt hại hơn 500 triệu đồng…”.

Dân nghèo vỡ nợ vì vàng đen” - 4
Người dân rao bán nhà, bán đất bỏ xứ trốn nợ

“Thua từ vụ này đến vụ khác, 2 vợ chồng đành rao bán tất cả các mảnh đất hiện có nhưng cũng chẳng ăn thua, nợ vẫn nợ, lãi thì chồng chéo nhau… Hiện tại, hai vợ chồng đang nợ 450 triệu đồng của ngân hàng, mỗi tháng 4 triệu đồng tiền lãi. Cả gia tài của gia đình chỉ còn lại mấy thùng hàng mì tôm, dầu gội bán lẻ duy trì bữa ăn hàng ngày…”, ông Lam chán nản kể lại.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thái Dương (47 tuổi, trú tại xã Ia Me, huyện Chư Prông) có khoảng 3.000 trụ tiêu. Dù đã 2 lần cải tạo trồng lại vườn tiêu mới nhưng ông Dương đều thất bại, hàng nghìn trụ tiêu cứ thế nhiễm bệnh rồi chết khô. Thất bại nối tiếp thất bại vì hồ tiêu, hiện số nợ của ông Dương đã tăng lên hơn 300 triệu đồng.

Phạm Hoàng
(Còn nữa)