Thanh Hóa:

Dân mỏi mòn vì bị dự án khu du lịch “ngâm” đất

(Dân trí) - Hơn 7 năm qua, người dân xã Quảng Cư tuy sống trên đất của mình mà cứ nhấp nhổm như đi ở nhờ, thấp thỏm lo âu. Họ không dám sửa nhà, cải tạo ruộng đất, ao hồ để làm kinh tế,… vì một cái “án” quy hoạch treo lơ lửng trên đầu.

Dự án 2 lần phê duyệt vẫn “treo”

 

Xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) nằm tiếp giáp với bãi tắm Sầm Sơn, chủ yếu phát triển các ngành nghề nông - ngư nghiệp và một phần tận dụng lợi thế để phát triển du lịch. Thế nhưng trong suốt hơn 7 năm qua, xã Quảng Cư hầu như không thể phát triển vì “vướng” phải dự án treo.

 

Dân mỏi mòn vì bị dự án khu du lịch “ngâm” đất - 1
Những ruộng bị nhiễm phèn không được cải tạo vì vướng quy hoạch

 

Năm 2001, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định phê duyệt quy hoạch chung thị xã Sầm Sơn đến năm 2020, trong đó nhắm đến xây dựng Khu du lịch sinh thái tại xã Quảng Cư. Năm 2003, tỉnh công bố đồ án quy hoạch và giao cho Công ty CAVICO làm chủ đầu tư.

 

Việc xây dựng sân golf chưa biết sẽ mang lại hiệu quả ra sao, nhưng nếu được triển khai sẽ để lại nhiều hệ lụy cho địa phương và trực tiếp là người dân phải chịu thiệt thòi: dân mất đất nông nghiệp, mất đất nuôi trồng thủy sản; con đường dẫn ra biển của ngư dân bị cắt đứt; lượng hóa chất lớn khi xây dựng sân golf sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và môi trường nơi đây.

 

Trong phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 8/2009 cũng đã nêu rõ: không lấy đất lúa, đất màu, đất quy hoạch khu đô thị… làm sân golf.

 

Để thuyết phục người dân, tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư đã công bố rộng rãi những lợi ích của dự án sau khi đi vào hoạt động. Người dân rất tin tưởng giao đất với hy vọng dự án sẽ góp phần cải thiện đời sống nhân dân và làm đẹp thêm cho khu du lịch Sầm Sơn.

 

Công tác kiểm kê đất, tài sản đã được tiến hành. Nhưng sau đó cả nhà đầu tư và UBND tỉnh đều không có động tĩnh gì. Dự án rơi vào im lặng, người dân nghèo bỗng phải mang trên mình “án” quy hoạch.

 

Năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa lại ra quyết định số 3420 về quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Quảng Cư sau đề xuất xin mở rộng thêm diện tích dự án.

 

Đến đầu năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa lại đồng ý cho Ngân hàng ACB tiếp nhận đầu tư cho dự án Khu du lịch sinh thái Quảng Cư với tổng diện tích là 320 ha. Theo đó tổng số hộ dân phải di dời ra khỏi khu vực của dự án là 1.302 hộ. Dự án sẽ được triển khai với nhiều hạng mục như: sân golf 27 lỗ, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, bãi để xe, nhà hàng, khách sạn... trong đó riêng khu vực sân golf chiếm hơn 1/3 diện tích đất của dự án.

  

Hơn 7 năm “ngâm” đất, dân chịu khổ!

 

Từ khi dự án được phê duyệt lần đầu cho đến nay đã hơn 7 năm trôi qua, nhiều nhà đầu tư vào tiếp nhận, quy hoạch đã được lập nên người dân nằm trong vùng quy hoạch chỉ biết chờ rồi lại chờ.

 

Những căn nhà dột nát, xuống cấp nghiêm trọng muốn cải tạo cũng không làm lại được, hàng chục hecta đất lúa bị nhiễm phèn, nhiễm mặn muốn cải tạo chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản cũng đành chịu. Người dân gần như mất quyền làm chủ trên mảnh đất của chính mình, con cái đến tuổi trưởng thành lập gia đình muốn tách hộ cũng đành chịu vì “cái án” quy hoạch treo đang còn sờ sờ ra đó.

 

Dân mỏi mòn vì bị dự án khu du lịch “ngâm” đất - 2
Ao hồ không được cải tạo để phát triển kinh tế vì dự án sân golf đã được quy hoạch

 

Anh Lê Văn Muộn, thôn Cường Thịnh, xã Quảng Cư bức xúc: “Đến giờ phút này chúng tôi không tin tưởng vào dự án này nữa, mấy năm qua cứ kiểm kê đi kiểm kê lại rồi cũng chẳng thấy chuyển biến gì cả, nhà dột nát không được cải tạo, đất không được chuyển đổi sản xuất, trong khi đó dự án chưa biết đến bao giờ mới triển khai, người dân chúng tôi đến khổ”.

 

Không riêng gì gia đình anh Muộn mà hàng trăm hộ dân khác ở các thôn nằm trong vùng quy hoạch của dự án suốt hơn 7 năm qua cũng hết sức bức xúc.

 

Ông Vũ Đình Dinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Cư, cho biết, dự án chậm triển khai đã gây khó khăn cho việc định hình phát triển kinh tế của địa phương, người dân đã quá mệt mỏi vì phải chờ đợi.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chánh văn phòng UBND thị xã Sầm Sơn, đây là dự án của tỉnh phê duyệt nên địa phương cũng đang rất lo lắng chưa biết khi nào mới được triển khai.

 

Duy Tuyên