Vụ chính quyền tiêu hủy “nhầm” 2ha tôm của dân:
Dân kiện UBND huyện, đòi bồi thường hơn 3,6 tỷ đồng
(Dân trí) - TAND huyện Phú Lộc (TT-Huế) vừa tiếp nhận đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung của ông Nguyễn Xuân Hòa (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) kiện UBND huyện Phú Lộc vì đã tiêu hủy nhầm 100 vạn con tôm nuôi trong hồ nuôi tôm 2ha của ông.
Theo đó, đơn kiện của ông Hòa yêu cầu tòa án giải quyết những vấn đề về việc bị tiêu hủy tôm nhầm do UBND huyện Phú Lộc thi hành mà đứng đầu là ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện, nguyên là Phó chủ tịch kinh tế cũ.
Ông Hòa yêu cầu huyện Phú Lộc phải bồi thường thiệt hại về 85 vạn con tôm thẻ chân trắng trị giá 2,125 tỷ đồng; 15 vạn con tôm sú trị giá 1 tỷ đồng; tổn hại về tinh thần, sức khỏe 50 triệu đồng và thu nhập gia đình mất trong thời gian 30 tháng (mỗi tháng 15 triệu đồng) là 450 triệu đồng. Tổng cộng là 3,625 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 7/2009, UBND huyện Phú Lộc đã ra quyết định xử phạt hành chính 3 triệu đồng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đối với ông Nguyễn Xuân Hòa vì nuôi tôm thẻ chân trắng trong lịch thời vụ nuôi tôm sú. Tuy nhiên, đến tháng 8/2009, huyện tiếp tục đưa hội đồng cưỡng chế đến đổ thuốc độc hiệu Wanway vào hồ tôm của ông Hòa làm chết toàn bộ số tôm ở đây.
Ông Hòa và vợ bên những con tôm chết sau khi bị huyện về cưỡng chế tiêu hủy
Quá bức xúc, ông Hòa đã làm đơn khiếu nại và khiếu nại bổ sung ngày 3/9/2009 gửi đến UBND huyện Phú Lộc. Ngày 4/12/2009, huyện Phú Lộc ra quyết định không thừa nhận khiếu nại của ông Hòa vì việc tiêu hủy tôm đối với ông này là đúng. Không đồng ý, ông Hòa đã tiếp tục khiếu nại lần 2 đến UBND tỉnh TT-Huế.
Ngày 16/8/2010, UBND tỉnh TT-Huế ra quyết định số 1490/QĐ-UBND chấp nhận đơn khiếu nại của ông Hòa. Quyết định này đã chỉ ra những điểm sai của UBND huyện Phú Lộc trong vụ việc này như: Viết sai ý trong công văn 769/CV-UBND ngày 19/12/2008 “Về việc cấm nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá Cầu Hai - Lăng Cô” ở nội dung trong mục 2 là “...không để người dân tự phát thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong lịch thời vụ nuôi tôm sú” dẫn đến sự hiểu nhầm trong nhân dân là có thể nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài lịch thời vụ nuôi tôm sú.
Ở công văn 769 cũng đã sai luôn về mặt: đây là văn bản hành chính thông thường nhưng nội dung có chứa quy phạm pháp luật mà không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Và mặt khác, ở quyết định 1670/QĐ-UBND "Về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản" của huyện Phú Lộc ra ngày 22/7/2009 đã không đúng với nghị định Chính phủ và chỉ thị của tỉnh TT-Huế khi đã xử phạt hành chính ông Hòa rồi mà còn tiếp tục tiêu hủy tôm của ông này.
Đồng thời, quyết định đã chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc bãi bỏ quyết định về cưỡng chế xử phạt vi hạm hành chính đối với ông Hòa và tổ chức xác định mức độ thiệt hại đã gây ra do việc cưỡng chế tiêu hủy toàn bộ tôm nuôi của ông Hòa để đền bù thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ngày 15/4/2011, UBND huyện Phú Lộc đã ra quyết định về giải quyết bồi thường thiệt hại tôm nuôi của ông Hòa. Tuy nhiên, huyện đã xác định trước khi hội đồng cưỡng chế huyện đến tiêu hủy hồ tôm thì ông Hòa đã bán đi gần hết số tôm chân trắng cũng như không có tôm sú trong hồ. Do đó việc tiêu hủy tôm không làm thiệt hại đến sản lượng tôm nuôi gia đình ông Hòa. Vì vậy huyện không thừa nhận việc yêu cầu bồi thường thiệt hại tôm nuôi cho ông Hòa.
Không đồng tình trước cách giải quyết của huyện, khẳng định những nội dung huyện nêu là hoàn toàn không có cơ sở, bịa đặt, ông Hòa đã quyết định gửi đơn khởi kiện ngày 29/4 và đơn khởi kiện bổ sung đối với UBND huyện Phú Lộc ngày 4/5 đến TAND huyện Phú Lộc. Ông Hòa nói: “Huyện Phú Lộc đã cho công an về địa phương để xác minh những người mua tôm của tôi. Một số người được xác minh là không mua tôm của tôi cũng bị buộc làm nhân chứng mua tôm. Rồi huyện nói tôi đã thu tôm trong hồ bán và tẩu tán đi chỗ khác trước lúc cán bộ tới tiêu hủy là một sự việc quá vô lý”.
Ngày về tiêu hủy, chúng tôi không kiểm tra số lượng tôm của anh Hòa có trong hồ là bao nhiêu. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi nhận được công văn của tỉnh để xem xét bồi thường cho anh Hòa vì việc làm chúng tôi sai. Ngay sau đó, chúng tôi đã kiểm tra lại và thấy anh Hòa kê khống số lượng tôm. Đặc biệt, toàn bộ tôm anh Hòa đã được tẩu tán qua các hồ bên cạnh và bán hết cho thương lái trước khi đoàn tới tiêu hủy. Chúng tôi có toàn bộ nhân chứng nên không sợ gì việc anh này kiện. Nếu chúng tôi sai thì chấp nhận bồi thường toàn bộ nhưng người sai là anh Hòa”.
Kiến nghị với quyết định của tỉnh TT-Huế về việc huyện làm sai, ông Nguyễn Thanh Hà nói thêm: “Giả sử tôi là người bị đơn thì tỉnh phải làm việc với tôi trước để tìm hiểu trước để làm tham mưu kỹ càng trước khi ra văn bản. Đằng này tỉnh không gặp gỡ làm việc với chúng tôi mà ra quyết định là thiếu cơ sở vì chỉ dựa vào một bên. Sau này, tỉnh đã có ý kiến với huyện về việc rút kinh nghiệm trong quá trình xử lý như trên. Thanh tra tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với huyện để làm tốt công tác xác minh, điều tra lại”.
Đại Dương