1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thừa Thiên - Huế:

Tiêu hủy “nhầm” 2ha tôm của dân rồi… làm lơ

(Dân trí) - Hơn 2 tháng nay, UBND tỉnh TT-Huế đã yêu cầu huyện Phú Lộc giải quyết vụ người dân nuôi tôm tại huyện này bị lãnh đạo huyện ra quyết định cưỡng chế, tiêu hủy toàn bộ 2ha tôm khiến gia đình bị thiệt hại nặng nề; nhưng huyện này vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Cách đây hơn 2 tháng, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc tổ chức xác định mức độ thiệt hại để đền bù vì đã cưỡng chế tiêu hủy toàn bộ số tôm thẻ chân trắng và tôm sú của ông Nguyễn Xuân Hòa (trú đội 2, HTX Bách Thắng, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc).
 
Tiêu hủy “nhầm” 2ha tôm của dân rồi… làm lơ - 1

Quyết định yêu cầu UBND huyện Phú Lộc xác định mức độ thiệt hại và đền bù cho gia đình ông Hòa của UBND tỉnh TT-Huế
 
Trước đó, theo đơn gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Hòa yêu cầu UBND huyện Phú Lộc phải bồi thường thiệt hại với số tiền trên 3,3 tỷ đồng. Trong đó tiền bồi thường cho số tôm bị tiêu hủy là 3,125 tỷ đồng và gần 275 triệu đồng bồi thường thu nhập mà gia đình ông mất đi kể từ sau khi số tôm bị tiêu hủy đến nay.

 

Theo đơn khiếu nại, sau khi HTX Bách Thắng (xã Vinh Hưng) cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trong vụ phụ, tháng 5/2009 ông Hòa đã tiến hành hợp đồng thuê 2 ha đất của HTX này và tiến hành nuôi thả tôm vào tháng 6/2009. Tuy nhiên, vào ngày 22/7/2009, UBND huyện Phú Lộc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đến ngày 12/8 lại ra quyết định cưỡng chế, buộc tiêu hủy toàn bộ số tôm trong diện tích 2ha của ông Hòa.

 

Ông Hòa cho biết, khi bị buộc phải tiêu hủy thì số tôm của ông đã được từ 57-60 ngày tuổi, phát triển rất nhanh và đồng đều. Việc tự nhiên mất trắng cả vuông tôm khiến sự nghiệp gia đình ông xây dựng trong hơn 15 năm qua bị sụp đổ hoàn toàn. Vợ ông Hòa từ chỗ kinh tế ổn định do quản lý tài chính của hồ tôm đã phải vào Đà Nẵng đi bán hàng rong ở chợ Hòa Khánh. 3 đứa con phải ly tán mỗi đứa một đường, phải gửi về nhà ông bà nội ngoại nhờ chăm giúp. Riêng ông Hòa phải đi chạy xe ôm hàng ngày để kiếm sống. Căn nhà xây dựng mấy trăm triệu đồng cũng phải bỏ hoang vì cả nhà không còn điều kiện sinh sống ở đó nữa.

 

Trong quyết định ngày 16/8/2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: Việc UBND huyện Phú Lộc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hòa là chưa có đủ cơ sở pháp lý; việc buộc ông Hòa phải tiêu hủy toàn bộ thủy sản nuôi trồng là không đúng với Điều 13, Nghị định số 128/2005 NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản” và Chỉ thị số 16/2007 CT-UBND của tỉnh TT-Huế “Về việc cấm thả nuôi tôm chân trắng trên vùng phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô” - trong đó không quy định chế tài buộc tiêu hủy sản phẩm thủy sản nuôi trồng.

 

Ngày 21/9/2010, ông Hòa đã gửi đơn kèm hồ sơ yêu cầu UBND huyện Phú Lộc bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho cá nhân. Sau gần 1 tháng, không thấy một đơn thư nào từ huyện gửi về, ông Hòa tiếp tục gửi “Đơn yêu cầu thụ lý và giải quyết hồ sơ bồi thường thiệt hại cho công dân theo đúng quy định pháp luật” cho UBND tỉnh.

 

Tuy nhiên cho đến nay, đã hơn 2 tháng kể từ khi nhận quyết định của UBND tỉnh và gần 1 tháng rưỡi nhận đơn của ông Hòa, UBND huyện Phú Lộc vẫn chưa có động thái gì để giải quyết việc này.

 

PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

 

Theo quy định tại khoản 2 điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước được Quốc hội thông qua: “… Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị hại; trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ phải hoàn trả lại hồ sơ…”.

 

Đại Dương