1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khiếu nại hành chính:

Dân “kiện” mãi, quan vẫn… chẳng sai!

(Dân trí) - Vô số nỗi khó trong việc khiếu nại hành chính đã được các luật sư “kê” ra trong buổi hội thảo “Vai trò của luật sư và thực trạng giải quyết khiếu nại tố cáo”.

Tâm lí ngại thua, sợ thua cùng các thao tác cản trở của cán bộ, công chức cũng như sự “khó xử” tại các phiên tòa đã khiến người khiếu nại rất khó… thắng.

 

Cuộc thảo luận do Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội tổ chức vào ngày 24/11, có sự tham gia của Chánh án tòa Hành chính, TAND TC, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội…

 

6 tháng mới tiếp cận nổi hồ sơ

 

Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, có rất “nhiều không” trong việc giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay. Khi có đơn khiếu nại, nhiều cơ quan không chịu thụ lí, hoặc khi thụ lí không đối thoại với người khiếu nại. Không ra quyết định giải quyết khiếu nại, hoặc vi phạm về thời hạn giải quyết, hình thức giải quyết (như giải quyết bằng công văn, không phải bằng quyết định, do người không có thẩm quyền giải quyết - thường là cấp dưới kí).

 

Chưa hết, nhiều trường hợp khi bác đơn khiếu nại lại không đưa ra các căn cứ pháp lí xác đáng. Không xử lí cán bộ khi vi phạm luật Khiếu nại, tố cáo và việc không xử lí này theo ông Hải dẫn đến “ngày mai lại có tâm lí, không việc gì phải giải quyết”.

 

Luật sư Trương Chí Công: Luật sư Việt Nam còn ít tham gia vào việc giải quyết khiếu nại hành chính do thù lao trả cho luật sư tư vấn, trợ giúp khách hàng chưa cao so với các vụ việc khác. Các vụ việc hành chính thường là những vụ việc phức tạp, kéo dài, dẫn đến mất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí của luật sư...

Các bản án hành chính thường có tính bao che cho cơ quan hành chính. Các tòa đều cho rằng, những vi phạm của cơ quan hành chính chỉ là “sai sót” cần rút kinh nghiệm để bác đơn khởi kiện.

 

Cơ quan có thẩm quyền cũng không tạo điều kiện cho luật sư làm việc. Thậm chí, một số trường hợp khuyên đương sự đừng nhờ luật sư thì sẽ giải quyết “giúp”.

 

Ông Hải nêu ra dẫn chứng, một cơ quan có trách nhiệm đã gọi cho doanh nghiệp mà ông đang trợ giúp pháp lí và hứa, nếu từ bỏ hợp tác với luật sư sẽ giúp giải quyết. Thế nhưng, 5 tháng trôi qua lời hứa vẫn không được thực hiện, trong khi nếu tiếp tục kéo dài hơn sẽ mất thời hiệu để đương sự đệ đơn ra tòa. Theo ông Hải, doanh nghiệp như bị sa vào… cái bẫy.

 

Đại diện của Cty Investpro bổ sung thêm, nhiều cán bộ hiện nay biết luật nhưng cũng còn không ít người cứ… ngơ ngơ. Ông này cho biết, khi ông tham gia trợ giúp pháp lí cho một vụ kiện liên quan đến đất đai, ông đã được lãnh đạo thành phố rồi Giám đốc Sở TNMT đồng ý để tiếp cận hồ sơ nguồn gốc đất. Thế nhưng, các cấp bên dưới vẫn thản nhiên lảng tránh và phải đi lại đến 6 tháng ông mới lấy được hồ sơ.

 

Luật sư Trương Chí Công, Trưởng văn phòng luật sư C & M thẳng thắn cho rằng, do vẫn còn tư duy quan liêu, bao cấp, nhiều cán bộ công chức cho rằng, giải quyết khiếu nại hành chính với người dân là cuộc chiến giữa một bên là cơ quan nhà nước và một bên là người dân. Từ đó dẫn đến tâm lí hiếu thắng, sợ thua, bằng mọi cách bảo vệ quan điểm, không hợp tác giải quyết, cho dù quyết định, hành vi hành chính của mình đã vi phạm pháp luật.

 

Cũng theo ông Công, ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội là địa bàn có trình độ cán bộ, công chức cao nhất nước vẫn còn tồn tại những cán bộ còn chưa nhận thức đúng về thời hạn giải quyết chứ chưa nói đến các nội dung khác.

 

Công chức sai, không “cúp” lương là… không ổn

 

Theo luật sư Trần Vũ Hải, cần phải bỏ nguyên tắc người giải quyết khiếu nại lần đầu phải là cơ quan bị khiếu nại vì thực tế “rất hiếm người thừa nhận mình sai”.

 

Cũng theo ông Hải không nên để Tòa án địa phương giải quyết các khiếu nại đối với các cơ quan hành chính cùng địa phương vì khó đảm bảo nguyên tắc độc lập khi xét xử. Chẳng hạn, chánh tòa quận cũng chỉ là quận ủy viên, trong khi người dân kiện Chủ tịch quận là Phó bí thư quận ủy sẽ khiến chánh tòa khó “xử”.

 

Nên thiết lập hệ thống tòa án hành chính giống như mô hình hệ thống tòa quân sự tức là tổ chức tòa khu vực, không liên quan đến địa phương. Tòa án hành chính có quyền ấn định một thời hạn nhất định để cơ quan hành chính phải ra văn bản giải quyết khiếu nại hành chính nếu cơ quan đó chưa giải quyết khiếu nại.

 

Nếu quá thời hạn mà không thực hiện như vậy, Tòa có quyền xử phạt. “Người dân mắc lỗi khi tham gia giao thông phải nộp phạt. Công chức làm sai, không bị phạt hay “cup” lương là…không ổn”, ông Hải phân tích.

 

Trước mắt, khi chưa có sự sửa đổi trên, theo ông Hải cần xử lí điểm một số trường hợp vi phạm luật khiếu nại tố cáo, chẳng hạn kỉ luật rồi đưa lên công luận. Đối với Hà Nội, cần gương mẫu thực hiện theo luật, tổ chức đối thoại với người khiếu nại, giải quyết đơn đúng thời hạn.

 

Với các thẩm phán lo ngại vướng mắc “địa phương”, cần cử thẩm phán ở địa phương khác đến xứt xử. Với những quyết định, hành vi hành chính do người không có thẩm quyền ban hành hoặc thực hiện, tòa cần kiên quyết xử hủy và yêu cầu cơ quan làm sai bồi thường, ít nhất phải bồi thường chi phí đi kiện.

 

Cấn Cường - Phương Thảo