Quảng Nam:
Dân khốn khổ vì cầu thi công "rùa bò", đường tạm bị lũ cuốn trôi
(Dân trí) - Cầu Sông Lĩnh nối giữa thị trấn Đông Phú và xã Quế Long, xã Quế Phong (Quảng Nam) thi công dang dở, đường tạm liên tục bị hư hỏng khiến người dân khốn khổ, phải đi đường vòng hơn 5 km để qua sông.
Cầu thi công chậm, dân phải đi đường vòng
Cầu mới Sông Lĩnh nằm trên tuyến đường liên xã của huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển kinh tế của người dân thị trấn Đông Phú với 2 xã Quế Long, Quế Phong.
Dự án có tổng kinh phí đầu tư hơn 12,8 tỷ đồng, trong đó xây lắp hơn 10 tỷ đồng. Cầu Sông Lĩnh được khởi công từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam và ngân sách huyện Quế Sơn, do Ban quản lý Dự án và quỹ đất huyện Quế Sơn làm chủ đầu tư.
Kết cấu cầu gồm có 5 nhịp, mỗi nhịp dài khoảng 9 m, tổng chiều dài cây cầu khoảng 45 m, rộng khoảng 10 m, được thi công từ cuối tháng 2/2021 đến nay.
Chưa kịp vui mừng khi thấy cây cầu Sông Lĩnh mới xây dựng thì người dân phải vất vả đi lại vì quá trình thi công cầu chậm chạp, đường tạm liên tục bị nước lũ cuốn trôi. Để sang bờ bên kia, dù cách nhau một tầm nhìn, người dân vẫn phải đi đường vòng hơn 5 km.
Cuối tháng 10, PV Dân trí có mặt tại khu vực cầu Sông Lĩnh để ghi nhận tình hình. Tại công trường thi công chỉ có 4 công nhân ngồi đục đá và một xe máy múc đang gia cố lại đường dẫn tạm phục vụ bà con đi lại. Nhiều người dân và phương tiện lưu thông qua đến đoạn đường này đều phải quay đầu và đi đường vòng để xuống thị trấn Đông Phú.
Bà Lý Thị Mẫn (56 tuổi, thôn Xuân Quê, xã Quế Long) cho biết, lâu nay người dân đi lên xã Quế Long hay ngược về thị trấn Đông Phú chỉ có đi qua cây cầu Sông Lĩnh này vì thuận tiện. Do cầu cũ Sông Lĩnh đã xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện chở hàng hóa nên huyện Quế Sơn cho thi công cây cầu mới Sông Lĩnh.
Khi xây dựng cầu mới, đơn vị thi công đã dỡ bỏ cầu cũ. Họ làm một con đường dẫn tạm thời để dân lưu thông qua lại. Do ảnh hưởng của bão, mưa to gió lớn, nước sông dâng cao, chảy xiết và con đường tạm này nằm dưới lòng sông nên chỉ cần một trận mưa lớn, nước sông dâng cao là cuốn phăng.
"Hiện tại người dân từ xã Quế Phong, Quế Long muốn đi xuống thị trấn Đông Phú phải đi đường vòng mất 15 phút chạy xe máy, còn xe đạp thì phải mất hơn 30 phút mới có thể tới trung tâm huyện Quế Sơn", bà Mẫn nói.
Ông Mai Xuân Sáu (59 tuổi, trú thôn Xuân Quê, xã Quế Long) cho hay, mỗi lần đơn vị thi công cho nổ mìn phá đá thì nhà ông và một số nhà dân khác bị rung lắc mạnh, ông rất lo ngôi nhà mình sẽ bị nứt tường.
Vất vả nhất là học sinh ở xã Quế Long, Quế Phong phải đạp xe đường vòng đến trường hàng ngày. Có lúc trễ giờ học, các cháu học sinh liều vác xe đạp lội qua sông cho kịp giờ. Còn mùa mưa, bão thì nước ngập tràn qua đường khiến việc đi lại hết sức khó khăn.
"Xây một cây cầu cần rất nhiều công nhân, nhưng hiện nay chỉ có vài người làm thế này thì không biết bao giờ cây cầu mới xây xong. Chúng tôi mong chính quyền khẩn trương hoàn thành cây cầu sớm để tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân", ông Sáu bày tỏ.
Bao giờ cầu xây xong?
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Triệu Ngọc Chi - Trưởng Ban quản lý Dự án và quỹ đất huyện Quế Sơn cho biết, nguyên nhân thi công cầu Sông Lĩnh chậm là do vướng địa hình nhiều đá nên giai đoạn đầu đơn vị thi công đã gặp khó khăn.
Sau đó, đơn vị thi công đã rà soát, kiểm tra lại và xét thấy nếu thi công theo biện pháp thủ công, tiến độ sẽ rất lâu nên đã đề xuất thay đổi biện pháp thi công bằng phương pháp nổ mìn phá đá để đẩy nhanh tiến độ làm nhịp và móng cầu.
Đồng thời, đơn vị thi công đã làm đường tạm để làm thay đổi dòng chảy con sông, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công. Đây là đường tạm để thi công cầu, đồng thời tận dụng để cho nhân dân đi lại, rút ngắn thời gian di chuyển.
Cũng theo ông Chi, nguyên nhân đơn vị thi công phá bỏ cầu cũ do nếu để lại cầu cũ thì không có diện tích làm cầu mới. Hơn nữa, cầu cũ không an toàn để người dân qua lại.
"Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến cuối tháng 12 năm nay, cầu Sông Lĩnh sẽ hoàn thành và đưa vào phục vụ cho nhân dân, phương tiện đi qua lại", ông Chi khẳng định.