Dân giữ rừng không công: “Đem con bỏ chợ”?
(Dân trí) - Huyện miền núi A Lưới - một trong những khu vực có độ che phủ rừng cao nhất nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế - đang đứng trước nguy cơ mất dần tài nguyên đất rừng nếu vẫn có kiểu quản lý “đem con bỏ chợ” như thời gian qua.
Bỏ mặc người dân giữ rừng
Thực hiện Quyết định số 184 – HĐBT năm 1982 và nghị định 2-CP năm 1994, đến năm 2011, UBND huyện và Hạt Kiểm lâm A Lưới đã hoàn tất việc bàn giao đất rừng cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình. Tuy nhiên việc thực hiện sao cho đúng với tinh thần chủ trương của Chính phủ vẫn còn nhiều khúc mắc.
Lúc giao đất, giao rừng, người dân được tuyên truyền rõ về những lợi ích cũng như nghĩa vụ mình phải làm khi nhận rừng. Nhận thức đươc điều đó nên từ năm 2011 đến nay, các nhóm hộ trong 7 thôn thuộc xã Sơn Thủy, A Lưới vẫn đều đặn đi rừng tuần tra hằng tháng, có nhóm còn đi hằng tuần. Điều này làm giảm rõ rệt tỷ lệ tàn phá rừng so với hồi đỉnh điểm năm 2005 (khi lâm tặc bắt đầu sử dụng cưa máy).
Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng của mình, người dân vẫn chưa mảy may nhận lấy “quả ngọt”, ngược lại còn bị hao công tốn của, phải đối diện nguy hiểm khi chạm trán lâm tặc.
Anh Nguyễn Thanh Bừng, thôn Hợp Thương, xã Sơn Thủy cho biết: “Nhóm của tôi nhận 120 ha rừng xa nhất trong thôn. Bọn tôi mỗi tháng đi tuần tra 2 lần. Đi nhanh nhất là từ 1 ngày 1 đêm mới đến khu rừng mình quản lí (đi bộ là phần lớn – PV), chi phí mỗi người là 50.000 đồng/ngày. Mỗi lần đi tuần tra mất 3 ngày. Nhưng đều đặn đã 3 năm nay chúng tôi chưa nhận được hỗ trợ gì từ chính quyền”.
Từng một lần chạm mặt lâm tặc, anh Hồ Văn Thắm, thôn Cân Tôm, kể lại: “Hôm đó nhóm tôi đi đến khu rừng thì gặp lâm tặc đang cưa cây tại lâm phận của mình. Nhóm đến can ngăn thì lâm tặc hỏi giấy tờ quản lí đất rồi đổi giọng ‘Cái giấy này thì chứng minh được gì ? Đây là rừng tự nhiên nên mày không có quyền can thiệp’ sau đó họ còn đe dọa hành hung nhóm tôi, rồi ngang nhiên kéo cây về”.
Chia sẻ về trường hợp trên, anh Nguyễn Đăng Huy Cường, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới cho biết: “Theo Luật Bảo vệ rừng, người dân có quyền lập biên bản và áp giải người vi phạm cũng như tang vật về cho Hạt Kiểm lâm huyện xử lí. Tuy nhiên vì tâm lý sợ bị tấn công và trả thù, tốn phí vận chuyển mà người dân ngại va chạm với lâm tặc”.
Cho đến năm 2014, hầu hết rừng phòng hộ đều được bàn giao cho người dân. Đây là loại rừng có vai trò trọng yếu trong việc điều hòa nguồn nước, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên người dân nhận bảo vệ rừng phòng hộ vừa không được khai thác hơn 20% như theo cam kết luật định, lại vừa không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào.
Anh Hồ Văn Dương (thôn A Xáp) bức xúc: “Chúng tôi đi bảo vệ rừng tốn công tốn của, bây giờ rừng không khai thác được, đất trồng không có thì lấy gì mà sống. Nếu vẫn không có hỗ trợ như vậy thì chúng tôi bỏ rừng”.
Hiện tại, nhiều bà con ở huyện miền núi A Lưới đang phải “đơn thương độc mã” với cuộc chiến giữ rừng. Họ hiện đã không được hỗ trợ về vật chất mà còn cả về mặt pháp lý. Và rừng thì cứ thế… “rụng” dần!
Để nghĩa vụ song hành với quyền lợi người dân
Anh Nguyễn Đăng Huy Cường, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới cũng xác nhận: “Người dân chủ yếu bảo vệ rừng bằng tinh thần trách nhiệm, bởi hiện tại nguồn kinh phí chưa có cho phí dịch vụ môi trường rừng”.
Thực tế này cho thấy, chính quyền đòi hỏi tinh thần trách nhiệm từ người dân là điều khá “xa xỉ” trong bối cảnh kinh tế bà con trong nhóm hộ bám rừng đang cực kì khó khăn như: Rừng không khai thác được - đất trồng của bà con ở khu Tái định cư sau dự án Thủy điện A Lưới (nhiều hộ trong bảo vệ rừng cộng đồng sau khi dự án đến đã phải về ở đây - PV) không đảm bảo cho hoa màu phát triển - và hơn hết là không hề có chính sách hỗ trợ người dân bám rừng.
Anh Hồ Văn Thuận, thôn Cân Te tâm sự: “Chúng tôi đã có ý định trả đất, trả rừng lại cho chính quyền vào hồi đầu năm 2014. Nhưng vừa qua nhận được công văn sẽ có hỗ trợ phí dịch vụ môi trường rừng vào cuối năm. Điều này làm bà con rất phấn chấn, quyết tâm giữ rừng và hy vọng sẽ được hỗ trợ xứng đáng”.
Bên cạnh đó, người dân trong các nhóm hộ quản lí rừng còn khá mập mờ về các quyền lợi mình được hưởng khi nhận rừng, họ cũng không nắm rõ những quy ước, quy tắc trong xử lý vi phạm. Bà con cho biết, khi bắt được lâm tặc cùng tang vật, họ rất muốn dẫn giải về Hạt kiểm lâm nhưng rừng nằm quá xa, chi phí vận chuyển rất tốn kém nên đành để… lâm tặc đi và dặn là lần sau không được làm như vậy (!?).
Về trường hợp này, Tiến sĩ Cao Thị Lý – giảng viên trường ĐH Tây Nguyên cho biết: “Theo nghị định 157/ 2013/NĐCP, khi người dân bắt được lâm tặc tại lâm phận của mình thì tang vật được nhóm chủ hộ thụ hưởng“. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm Lâm vẫn có chính sách hỗ trợ riêng tiền vận chuyển cho nhóm hộ phát hiện được vi phạm. Như vậy chỉ cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chính sách này, người dân sẽ yên tâm và có tinh thần trách nhiệm hơn trong công tác quản lí và bảo vệ rừng.
Ông Phan Văn Bình, Phó Chủ tịch xã Sơn Thủy, huyện A Lưới trao đổi: “Bản thân tôi thấy quyền lợi hưởng 1,5% trong tổng số khai thác từ rừng là rất mơ hồ. Người dân cần có một động lực để tiếp tục đi tuần tra, quản lý rừng. Mà cụ thể là phải có chế độ hỗ trợ cho bà con bám rừng. Phải có quyền lợi cụ thể mới có thể gắn trách nhiệm cho người dân”.
Được biết, hơn 2/3 diện tích rừng của A Lưới vào năm 2006 là rừng Giàu và rừng Trung bình. Nhưng những năm qua, do sự lơi lỏng trong công tác quản lý và khai thác đã biến tỉ lệ này chỉ còn 1/3 tổng diện tích. Cần lắm những giải pháp kịp thời từ trên, nhất là chú trọng vào người dân địa phương - những thành tố cực kỳ quan trọng gắn liền cuộc sống với rừng để bảo vệ rừng khách quan, nhằm gìn giữ “lá phổi xanh” của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đức Cường - Thành Nhân - Đại Dương