Thừa Thiên - Huế:
Dân giữ rừng không công cho nhà nước?
(Dân trí) - Sau hơn 10 năm triển khai Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, 5 năm triển khai Dự án giao rừng về cộng đồng quản lý, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân sống nhờ rừng.
5 năm giữ rừng… không công!
Đây là câu chuyện được người dân ở đây nhắc đến mỗi khi bàn về việc giao đất giao rừng về cho cộng đồng quản lý. 5 năm qua, những người dân ở xã Hương Sơn và Hương Lộc (huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chưa nhận được bất kỳ một lợi ích nào từ việc bảo vệ rừng cộng đồng. Động cơ duy nhất để các hộ dân nhận rừng là để được khai thác một phần lâm sản khi rừng già. Nhưng đó chỉ là cái mà người dân hy vọng, chứ theo như dân ở đây cho biết thì cũng chưa có bất cứ một văn bản nào cho phép.
Khi giao rừng, vấn đề quyền lợi cho người dân không được xác định rõ ràng nên đến nay, nghĩa vụ người dân vẫn thực hiện nhưng quyền lợi thì chưa được hưởng. Rừng được giao về trong cộng đồng, các gia đình tham gia vào dự án rừng cộng đồng hàng tháng luân phiên nhau thay ca đi tuần tra bảo vệ.
Cũng theo nhiều người dân địa phương, nếu cứ tiếp tục như vậy mãi thì không biết liệu năm hay 10 năm sau, không có một chút hỗ trợ gì cho người dân thì người dân có tiếp tục được công việc này nữa hay không bởi họ vẫn phải chạy kiếm cái ăn hằng ngày.
Qua trao đổi trực tiếp về vấn đề này, ông Trương Xàng, Phó Hạt trường Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông xác nhận: “Chính sách hưởng lợi từ rừng tự nhiên vẫn chưa rõ khiến cơ quan chức năng rất khó khi thực hiện. Luật không quy định rõ cơ quan nào xác định trữ lượng, đánh giá thẩm định, cho phép khai thác. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hỗ trợ gì cho người dân để bảo vệ rừng”.
Rừng nghèo kiệt, cây gỗ gãy đổ: dân không được đụng tới !
Trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông có nhiều diện tích đất rừng tự nhiên liệt vào diện rừng nghèo kiệt, rừng bìm không có khả năng phát triển. Tuy nhiên, khi quy hoạch thì những diện tích này lại không được công nhận là rừng nghèo kiệt. Sở dĩ có điều này là do luật quy định, rừng có từ 50m3/ha gỗ thì rừng đó không phải là từng nghèo kiệt. Nhưng trên thực tế, rừng chỉ cần vài ba cây gỗ lớn là đã đủ tiêu chí này. Và hiển nhiên là diện tích đất rừng này không được chuyển đổi sang rừng sản xuất.
Thực tế này đã tồn tại ở địa phương từ lâu, biết là rừng nghèo kiệt, muốn xin để chuyển đổi mục đích sang trông cây keo, cao su… nhưng chính quyền không thể cấp phép mặc dù vẫn biết thực chất đó là rừng nghèo kiệt. Vì hưởng lợi không có gì nên một số hộ dân quản lý rừng ở đây đã tự ý chuyển đổi trái phép đất lâm nghiệp trong rừng được giao sang trồng keo.
Một thực trạng nữa là sau mùa bão, cây gỗ lớn gãy đổ trong rừng khá nhiều, rừng do dân quản lý bảo vệ đó nhưng dân muốn tận thu phải qua nhiều cửa hành chính với đơn từ phức tạp. Dân sợ thủ tục hành chính, chính quyền do phải có đơn mới giải quyết được. Mà giải quyết cũng phải qua ban này ban kia nên vấn đề tận thu lâm sản đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
“Chúng tôi thay mặt bà con có xin cấp trên rồi, nhưng phía xã sợ người dân khai thác những cây còn sống. Khi gửi đơn lên huyện thì phải qua ủy ban rồi qua địa chính, kiểm lâm… cũng phải mấy tháng mà chẳng có kết quả”- chú Phạm Tô, Tổ trưởng tổ quản lý rừng thôn 1, xã Hương Lộc, huyện Nam Đông chia sẻ.
Trả lời vấn đề này, ông Trương Xàng, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nam Đông cho biết thêm: “Dân làm đơn nhưng huyện không dám ký bởi vì theo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải có quyết định mở cửa rừng và lập kế hoạch khai thác thì mới được ký. Nếu cho phép người dân tận thu gỗ khi chưa có lực lượng giám sát thì sẽ không đảm bảo được việc người dân khai thác luôn cả những cây đang sống”.
Cũng theo lời ông Sàng thì rất cần thiết, sắp tới cần phải có những văn bản dưới luật cụ thể, các văn bản pháp lý phân công cụ thể cho các cơ quan chức năng thực hiện, nhằm hướng dẫn người dân làm đơn xin tận thu và đơn giản hóa việc xin “mở cửa rừng”.
Đức Cường - Thành Nhân - Đại Dương