1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Dân đua nhau phá vườn, đào ao nuôi tôm trái phép

(Dân trí) - Khoảng 2 năm nay, nhiều hộ dân xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định) đổi đời nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng. Chính vì thế nhiều người dân cùng đua nhau phá hoa màu trong vườn nhà đào ao nuôi tôm trái phép.

Do việc nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao lại rút ngắn được thời gian thu hoạch nên vài năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân ở các thôn như Hưng Lạc, Hưng Tân, Vĩnh Lợi 1… thuộc xã Mỹ Thành thi nhau đào ao trong vườn nhà để nuôi tôm thẻ chân trắng.

 

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Mỹ Thành, hiện toàn xã có trên 50 ha diện tích nuôi tôm không nằm trong diện tích quy hoạch.

 

Vừa trúng đậm vụ tôm thẻ chân trắng, anh Hồ Trần Ngọc (36 tuổi, thôn Hưng Lạc) vui vẻ cho biết: “Nuôi tôm cho năng suất cao gấp nhiều lần so với các loại cây hoa màu khác. Chỉ với gần 1.000 m2 nếu mình trồng lúa, trồng đậu cùng lắm cả năm thu được vài ba triệu; trong khi nuôi con tôm chỉ mất hơn 75 ngày nhưng cho thu nhập vài chục triệu. Có nhà nào diện tích ao lớn, nuôi được nhiều lời cả trăm triệu, ai mà không thích. Cứ bám lấy trồng ba thứ cây hoa màu biết đến khi nào mới đổi đời”.
 
Dân đua nhau phá vườn, đào ao nuôi tôm trái phép - 1

Ông Giai đào ao thêm trong vườn để nuôi tôm

 

Hệ lụy khó lường

 

Nuôi tôm thẻ chân trắng phải theo mô hình, lịch thời vụ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT Bình Định). Tuy nhiên những hộ nuôi tôm tự phát ở Mỹ Thành không theo một trình tự nào, mạnh ai nấy làm, có năm thả tới 3 vụ, thu hoạch tôm xong xả nước, dọn vệ sinh ao rồi tiếp tục bơm nước vào ao thả vụ mới. Do vùng nuôi tôm trái phép nằm ở vùng cao triều, cách xa đầm Đề Gi nên người nuôi tôm phải khoan giếng ở ven đầm để lấy nước mặn, sau đó bơm nước vào ao theo một đường ống nhựa dài cả gần 1.000m. Còn nước ngọt lấy từ giếng khoan tại chỗ.

 

Đặc biệt, do là vùng nuôi tôm không được quy hoạch không có hệ thống xử lý, thoát nước thải đảm bảo môi trường. Thường xong một vụ, nước thải được chảy qua hệ thống ống dẫn nước mặn vào ao hoặc xả ra những con mương thủy lợi vốn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.  Hậu quả là nguồn nước cung cấp cho nuôi tôm tại đầm Đề Gi tăng tốc ô nhiễm từng ngày. Ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của chính người dân và cũng là nguyên nhân chính đến nhiều ao tôm đã xuất hiện dịch bệnh, tôm chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi tôm mất trắng liên tiếp 2 - 3 vụ.

 

Điển hình là hộ anh Võ Bá Sỹ (34 tuổi) ở thôn Hưng Lạc. Thấy nhiều nhà đua nhau đào ao nuôi tôm anh Sỹ quyết định ủi hơn 1.700m2 trên đất canh tác để nuôi tôm. Chi phí đầu tư mua thiết bị, mua con giống mất hơn 40 triệu đồng nhưng hai vụ đầu tiên anh Sỹ đều trắng tay vì tôm dịch bệnh chết hết.
 
Dân đua nhau phá vườn, đào ao nuôi tôm trái phép - 2
Nuôi tôm thẻ chân trắng không theo quy hoạch, có mùa được cười mà cũng có nguy cơ khóc vì trắng tay

 

“Tính ra 2 vụ tôi nợ 70 triệu tiền mua thức ăn cho tôm, chưa tính tiền công mình bỏ ra. Vụ thứ 3 này tôi đang nuôi 20 vạn con đã được hơn 1 tháng rồi, tôm phát triển bình thường, chỉ còn 20 ngày nữa là bán nhưng chưa biết được lời lỗ thế nào. Lạy trời cho con tôm bình thường đến lúc thu hoạch còn có cái mà trả nợ” - anh Sỹ buồn rầu nói.

 

Ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, cho biết: “Việc người dân tự ý đào ao trong đất vườn để nuôi tôm, nếu nuôi lâu năm không theo quy hoạch, về lâu dài không chỉ ảnh hưởng đến chính đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến 70 ha của vùng nuôi tôm tập trung ở các thôn Hưng Lạc và Xuân Bình. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, khuyến cáo, thậm chí xử phạt hành chính nhưng người dân vẫn cố tình phớt lờ”.

 

Ông Ngô Đình Ba, Phó phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, nói thêm: “Nếu nuôi lâu sẽ gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm; sinh ra bệnh tật ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chính người dân. Do nuôi tôm tự phát không có hệ thống xử lý nước thải chỉ được vài vụ đầu thôi, nhưng về sau nguồn nước ô nhiễm sinh ra dịch bệnh rất khó xử lý”.

 

Doãn Công

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm