1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Kon Tum:

Dân đổ xô vào rừng khai thác dược liệu

(Dân trí) - Thông tin từ 2 xã vùng Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là xã Hiếu và xã Pờ Ê, hiện trên địa bàn 2 xã đang có tình trạng người dân đổ xô vào rừng tận thu rễ, lá cây Ka Na và cây Kim Cương đem bán cho thương lái.

Mỗi kg rễ cây Ka Na tươi được bán với giá 15-20.000 đồng; lá cây Kim Cương thì được thu mua với giá “khủng”: trên 1 triệu đồng/kg. Với giá thu mua hấp dẫn này, không chỉ người dân bỏ canh tác ruộng rẫy mà một bộ phận học sinh cũng xao nhãng việc học để vào rừng tìm kiếm dược liệu đem bán.

Cây Kim Cương người dân bản địa gọi là cây sâm đất. Lá cây Kim Cương có mùi thơm, dễ ăn, giúp cơ thể khỏe mạnh. Một vài quán ăn dùng lá Kim Cương nấu với cháo gà được thực khách ưa chuộng. Năm 2011, giá thu mua lá Kim Cương đã ở mức từ 600-700.000 đồng/kg. Còn cây Ka Na là tên gọi của người dân địa phương chỉ một loại dây leo, thân cây rất thơm, có vị ngọt.

Cây Kim Cương được tận thu với giá rất cao ở Kon Tum (Ảnh: Báo Kon Tum)


Cây Kim Cương được tận thu với giá rất cao ở Kon Tum (Ảnh: Báo Kon Tum)

Hiện chưa có một công trình khoa học nào kết luận chính xác cây Ka Na (bao hàm cả rễ) và lá Kim Cương chữa được bệnh gì, có tác dụng gì. Chỉ biết rằng với sức mua rất hấp dẫn hiện nay của thương lái, e rằng không bao lâu nữa những cánh rừng Đông Trường Sơn ở Kon Tum sẽ bị tàn phá bởi “cơn lốc” tìm dược liệu của người dân. Một hệ lụy nhãn tiền là nguồn dược liệu quý có thể sẽ cạn kiệt như một thời đã từng xảy ra với cây sâm Ngọc Linh ở Đăk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Đại Hòa