Thanh Hóa:

Dân đổ ra biển lấy cát làm "vũ khí" chống bão

(Dân trí) - Các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang hối hả triển khai nhiều phương án nhằm ứng phó với cơn bão số 3. Trong đó, nhiều người dân ven biển chằng chống nhà cửa, di chuyển bè mảng, tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 3

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khu vực ven biển huyện Hoằng Hóa, người dân đang tích cực chuẩn bị vật dụng như bao cát để ngăn nước biển tràn vào khi thủy triều lên.

Nhiều nhà dân sống ven biển cũng đang tổ chức chằng chống lại nhà cửa, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Tuy nhiên, một số phương tiện bè mảng chưa di chuyển và di chuyển nhưng chưa an toàn.

Chuẩn bị các bao tải cát để ngăn nước tràn
Chuẩn bị các bao tải cát để ngăn nước tràn

Hiện chính quyền địa phương đang tích cực chỉ đạo các tiểu ban phòng chống thiên tai thực hiện nghiêm túc đôn đốc người dân thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Đến khoảng 9h30 phút sáng 19/8, mưa đã ngớt và gió bắt đầu mạnh dần lên, các cấp chính quyền và ngành chức năng cũng như người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3.

Hệ thống loa truyền thanh tại các địa phương cũng liên tục thông tin về diễn biến cơn bão và các chỉ đạo của ngành chức năng và chính quyền về các phương án ứng phó với cơn bão sắp đổ bộ.

Công tác ứng phó với bão số 3 đang rất khẩn trương
Công tác ứng phó với bão số 3 đang rất khẩn trương
Dân đổ ra biển lấy cát làm "vũ khí" chống bão - 3
Chằng chống nhà cửa
Chằng chống nhà cửa
Bè mảng được đưa vào sâu trong bờ
Bè mảng được đưa vào sâu trong bờ
Còn nhiều bè mảng ở ngoài bờ biển
Còn nhiều bè mảng ở ngoài bờ biển
Vẫn còn tàu trên biển
Vẫn còn tàu trên biển
Sóng bắt đầu lớn dần
Sóng bắt đầu lớn dần

Thanh Hóa họp khẩn trong đêm để triển khai ứng phó bão số 3

Từ 20h30 đến 22h ngày 18/8, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp khẩn để triển khai các giải pháp ứng phó bão số 3. Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCTT & TKCN - chủ trì cuộc họp.

Tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp khẩn
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp khẩn

Tại cuộc họp, Văn phòng Thường trực BCH PCTT & TKCN tỉnh thông báo diễn biến mới nhất của cơn bão, những nguy cơ có thể xảy ra, công tác ứng phó với cơn bão. Các địa phương ven biển cũng báo cáo tình hình triển khai các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại của bão.

Trên cơ sở phân tích thực tế, ông Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh, đây là cơn bão có cường độ lớn, gây mưa to, nước dâng cao… nên phải tập trung cao độ và nghiêm túc trong triển khai các giải pháp phòng tránh thiệt hại. Tất cả phải nỗ lực vì mục tiêu: tuyệt đối không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản.

100% tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa đã vào nơi tránh trú bão
100% tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa đã vào nơi tránh trú bão

Đồng thời, ông Xứng yêu cầu các thành viên của BCH PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa, các địa phương, lãnh đạo tỉnh trong quá trình đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng tránh bão phải căn cứ theo nội dung các công điện của UBND tỉnh và BCH PCTT & TKCN tỉnh đã chỉ đạo; không để người dân và các địa phương có tư tưởng chủ quan, lơ là; các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh, huyện phải thường xuyên thông báo diễn biến của bão cho nhân dân được biết; các địa phương cấn duy trì chế độ trực ban24/24 giờ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phân công cán bộ về các huyện, cùng phòng Nông nghiệp huyện tiến hành sắp xếp neo buộc tàu thuyền, tránh để va đập gây thiệt hại không đáng có; ngay trong đầu giờ sáng 19/8, phải kiên quyết không để người trên tàu, các chòi canh thủy sản.

Đêm 18/8, rạng sáng ngày 19/8, Thanh Hóa đã có mưa to
Đêm 18/8, rạng sáng ngày 19/8, Thanh Hóa đã có mưa to

Khi tình hình diễn biến phức tạp, các địa phương chủ động di dời ngay dân ở khu vực mép nước có nguy cơ nguy hiểm, không cần chờ có lệnh của tỉnh. Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp các huyện, bố trí máy móc để xử lý ngay các điểm sạt lở đất, tránh tình trạng tắc đường, chia cắt giữa các vùng.

Đối với các huyện ven biển, phải tập trung kiểm tra số tàu thuyền đã về, không cho neo đậu ở ngoài cửa sông, cửa biển; yêu cầu 100% phải vào tránh trú ở nơi an toàn.

Các huyện miền núi cần nắm lại các hồ đập có nguy cơ mất an toàn; những vị trí có nguy cơ sạt lở đất để có biện pháp di dân kịp thời. Tại các tràn ngang đường, phải cử lực lượng canh gác không cho người và phương tiện qua khi thấy nguy hiểm.

Ông Xứng chỉ đạo, ngày 19/8, 100% các thành viên ban chỉ đạo phải xuống cơ sở đôn đốc việc triển khai các biện pháp cần thiết. Đối với các phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách được phân công xuống chỉ đạo công tác ứng phó với bão tại các địa phương ven biển…

Duy Tuyên