1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dân đào hào, chăng dây thép gai vây nhà máy

Nguyên nhân là trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng 6 dự án xây dựng trên địa bàn xã Nguyệt Đức, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, một số người có chức quyền ở xã đã lợi dụng ăn chặn hàng tỷ đồng của dân.

Chúng tôi có mặt lúc 9 giờ  ngày 28/3/2006 tại cổng Nhà máy gốm xây dựng Vĩnh Phúc (thuộc Công ty gốm Tân Thịnh).

 

Lúc này, hơn 200 người dân đang đứng ngồi ngả ngốn trước cổng nhà máy. Người nào cũng hết sức bức xúc trước việc đã quá hạn 12 ngày mà đại diện chính quyền huyện, tỉnh vẫn chưa về tiếp xúc với dân.

 

Ông Kim Mạnh Huỳnh (thôn Đinh Xá) cho biết: Vì cơ quan có thẩm quyền làm ngơ trước bức xúc của người dân nên bất đắc dĩ, dân mới tiến hành đào hào, chăng thép gai vây nhà máy, yêu cầu chính quyền địa phương làm rõ những khuất tất về giá đền bù đất.

 

Ông Tạ Văn Hưng, bị thu hồi trên 500m2 đất, cho biết đất của gia đình ông là đất 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Kể từ khi bị thu hồi đất xây dựng nhà máy, gia đình vẫn chưa được cấp đất dịch vụ, trong khi ở các địa phương khác đều được đền bù thỏa đáng.

 

Ông Hưng cũng cho biết, trong khi đền bù cho dân, xã đã cố tình bưng bít mọi thông tin liên quan chính sách đền bù đất đai của Nhà nước, để thu lợi bất chính.

 

Chiều 28/3, trước bức xúc của người dân, lãnh đạo huyện Yên Lạc mời 5 người đại diện các hộ bị thu hồi đất tại dự án này lên trụ sở huyện làm việc. Nhưng 5 người trên đã không làm việc với huyện, lý do là họ “không đủ tư cách đại diện hơn 300 hộ dân”.

 

Đa số người dân cho rằng, huyện, xã phải cử đại diện về hội trường thôn Đinh Xá để đối chất; nếu không thì dân tiếp tục bao vây nhà máy, không cho các phương tiện ra vào.

 

Làm việc với lãnh đạo huyện Yên Lạc, chúng tôi được ông Đỗ Đình Việt- Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết, sai phạm về đất đai ở xã Nguyệt Đức đã diễn ra từ lâu. Theo ông Việt thì người dân thôn Đinh Xá đã cố tình không hiểu chính sách đền bù của tỉnh. Ông Việt lý giải, vì tỉnh chưa có chủ trương cấp đất dịch vụ cho dân ở xã Nguyệt Đức nên huyện không thể tự ý làm.

 

Ông Việt cũng khẳng định, các dự án triển khai tại xã này đều do xã và các Công ty làm chủ đầu tư. Việc thu hồi, đền bù… đều do xã quyết, không thông qua huyện.

 

Được biết, những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, cấp đất trái thẩm quyền, ăn chặn tiền của dân hàng tỷ đồng diễn ra từ năm 1995. Xã Nguyệt Đức tự ý bán hơn 6.100 m2 đất cho 31 hộ dân không trong diện được cấp đất theo quy định của tỉnh. Tiếp đó là tình trạng ăn chặn tiền đền bù tại 6 dự án triển khai trên địa bàn xã.

 

Khi tiến hành thu hồi đất cấp cho 6 dự án này, lãnh đạo xã đã không lập hội đồng đền bù, không công khai phương án đền bù, trong khi vẫn hồn nhiên thu của dân gần 15.000 m2 đất…

 

Mặc dù dân đã bao vây nhà máy suốt 5 ngày qua nhưng đại diện tỉnh, huyện, xã và chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành đối chất với dân. Theo nhiều người dân, các vụ việc tham nhũng tại đây liên quan nhiều người có chức quyền ở huyện, xã nên đang có chiều hướng “chìm xuồng”.

 

Theo Phong Cầm - Thanh Phương

Tiền Phong