1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dân chung cư thiếu nụ cười, thừa... cáu gắt!

“Tôi không biết định nghĩa như thế nào về chung cư: Đó là một khoảng riêng hờ hững với nhau, tiết kiệm giao lưu nụ cười và khuyến mãi cáu gắt!"...

Thừa rác rưởi, thừa chuyện bực mình...

 

Sáng nào, bác Phạm Thị Thoa (tầng trệt, lô C, chung cư Ngô Tất Tố - TPHCM) cũng xách không dưới ba xô nước để cọ rửa cho sạch bức tường nhà nặng mùi xú uế sau một đêm làm nơi “xả xú páp” cho những kẻ vô ý thức.

 

Bác Thoa kể chuyện, an ninh ở đây kinh hoàng lắm. Năm ngoái, thằng cháu bác tới chơi, mới bước một chân vào nhà đã mất tiêu chiếc xe mới cóng đã khóa cổ cẩn thận. Bác Thoa trình báo công an khu vực thì họ bảo “ai bảo bà để phía ngoài. Cứ photo giấy tờ đi chúng tôi tìm giúp. Đừng có mà ra phường báo bẩm không lại sinh chuyện”. Sau này mất xe đạp, bác Thoa cũng không dám báo “các chú” ấy vì sợ bị mắng.

 

Ở chung cư, nhà dưới thấp hiển nhiên phải gánh hết rác thải của các nhà trên cao. Tờ mờ sáng, thấy giấy báo bọc phân vật nuôi của người trên “thả mìn” xuống ngay trước cửa nhà. Chị Nguyên Hà ở lô C, chung cư Ngô Tất Tố kể lại “bi kịch” trên trời rơi xuống của mình: Buổi sáng, dắt xe ra khỏi nhà thì nguyên một cơn mưa phân chim trút xuống ướt mèm từ tóc xuống chân. Ngoảnh lên không thấy ai, chỉ thấy mỗi cái chuồng chim vừa được dội rửa sạch sẽ.

 

An ninh và tình trạng mất vệ sinh, mỹ quan đang ở mức báo động ở chung cư Ngô Tất Tố, Phạm Viết Chánh… dù chúng mới được xây dựng chưa lâu.

 

Đến chung cư Trần Hưng Đạo, Q.5, cảm nhận đầu tiên là một nỗi lo người dân có thể bị “bà hỏa” tiêu diệt bất cứ lúc nào. Phía dưới chân chung cư là chợ vải lớn nhất thành phố, vào giờ xôm tụ không có một lối đi ra khỏi chung cư. Người dân muốn ra khỏi nhà mình thì phải chen chúc cáu gắt để giành đường.

 

“Chẳng ai muốn đeo một bộ mặt cau có khi ra đường nhưng ngày nào cũng vậy, không sao chịu nổi. Công an phường gần đó, thỉnh thoảng “giả đò” lượn qua lượn lại, hô hào dọn dẹp. Người ta dẹp vào một lúc lại dọn ra”, chị D. sống trong chung cư than vãn.

 

Thừa hiểm nguy, thừa rác rưởi, thừa những chuyện bực mình, thừa lối sống cá nhân, chỉ biết tư lợi đang hình thành ở một bộ phận dân sống ở các chung cư. Có người ví von: “Nếu có những khu chung cư cũ sống theo lối “ổ chuột kiểu cũ” thì cũng có những chung cư mới theo kiểu “ổ chuột kiểu mới”.

 

Suốt nhiều năm nay, người dân ở chung cư Phạm Thế Hiển (Q. 8) bất bình vì thói quen chiếm dụng lối đi chung. Họ ngang nhiên coi hành lang ở hai bên hông cầu thang làm chỗ ở mát mẻ khi nhà mình chật chội, nóng nực. Từ chăn, mền gối áo, chén đũa và cả tủ giường đều được đưa xuống, quây ri-đô lại làm nơi chui vào chui ra.

 

Những “căn phòng tạm” kiểu này nhếch nhác, bẩn thỉu và hôi hám nhưng vẫn tồn tại từ hai năm nay. Trong khi Ban quản lý thì chả bao giờ vào đến bên trong, dù chỉ là đến chân cầu thang, để nắm rõ tình hình.

 

“Tôi không biết định nghĩa như thế nào về chung cư: Đó là một cái “xứ” ồn ào, xô bồ, chợ búa và mỗi nhà là một khoảng riêng hờ hững với nhau, tiết kiệm giao lưu nụ cười và khuyến mãi cáu gắt dù ngày ngày vẫn vào ra chung một cổng” - anh Q. P. định nghĩa một cách văn vẻ và… buồn về chỗ ở của mình.

 

Thiếu ánh sáng, thiếu không gian xanh...

 

Lên chung cư Ngô Tất Tố đúng vào buổi chiều mất điện mới thấy nỗi khổ của dân ở nhà thiếu ánh sáng và không gian. Ban ngày, trong các hành lang mù mịt âm u, thi thoảng một vài nguồn sáng yếu ớt ngoài trời chiếu vào chỉ soi tỏ một phần nhỏ phía sau nhà. Hành lang dù ít người đi lại nhưng nóng nực vì gió không len vào nổi. Cái công viên bé như vườn nhà phía trước hầu như bị dân vãng lai, ăn xin chiếm dụng.

 

Chung cư Phạm Viết Chánh thiếu thậm tệ những khoảng không gian chung. Chiều chiều, trẻ con chung cư đưa bóng ra đá dọc theo các lối đi lại. Khoảng sân chơi nhỏ xíu phía trái chung cư được tận dụng làm đường.

 

Không gian chung thiếu, cây xanh cũng thiếu. Trong khi đó, khoảng phân cách của những con đường xung quanh chung cư lại để không cho cỏ và cây dại mọc đầy.

 

Những chung cư cao cấp như Phúc Thịnh, Mỹ Phước đã có nhiều hơn một chút bóng dáng hoa lá, cây xanh. Nhưng với số tiền chăm sóc cây xanh cũng tính vào tiền dịch vụ công cộng hàng tháng 120.000 đến 150.000/tháng, người dân đáng được hưởng nhiều hơn thế.

 

Chung cư Mỹ Phước dù là một trong số những chung cư cao cấp, nhưng còn có những người dân chưa có thói quen sống tôn trọng cộng đồng. Nhiều hộ vẫn lén mang vật nuôi vào trong nhà, chờ đêm xuống lại dắt “khuyển cưng” đi “xả bức xúc” lên bãi cỏ công cộng.

 

Gần một năm nay, chung cư Mỹ Phước đi vào hoạt động nhưng chưa có tổ dân phố, bức xúc của người dân Ban quản lý chưa nắm hết được. Dân chung cư vẫn mạnh ai nấy sống.

 

Theo Trần Duy - Thu Hương

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm