1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dự án xây mới chợ Ngã Tư Sở - Hà Nội:

Dân chợ tố khổ, chủ đầu tư than khó!

(Dân trí) - Ngay từ cuối năm 2006 chợ Ngã Tư Sở đã rậm rịch chuẩn bị cho chuyện phá đi xây mới, tổng kinh phí xây mới lên tới 87 tỷ đồng. Nhưng từ đó đến nay đến nay, hầu hết các hộ kinh doanh trong chợ vẫn không ngừng than vãn về quy trình thực hiện của dự án.

10 lần họp vẫn không ăn thua

 

Ngày 4/12/2006, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5387/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chợ Ngã Tư Sở. Chợ sẽ được xây lại trên diện tích đất 8.159m2, trong đó 2.581m2 đất sẽ được xây làm khu trung tâm bán hàng gồm 6 tầng chính và một tầng hầm. Diện tích đất còn lại dành cho trạm điện, nhà để xe, cây xanh, khu phục vụ ngoài trời …

 

Ban quản lý chợ Đống Đa được chọn làm chủ đầu tư, tổng số tiền đầu tư lên tới 87 tỷ đồng. Thành phố sẽ hỗ trợ cho dự án 11 tỷ 150 triệu đồng, quận Đống Đa cho vay 6 tỷ đồng và 69 tỷ 838 triệu đồng còn lại sẽ được huy động từ các hộ đang buôn bán trong chợ. Theo kế hoạch, trong thời gian xây dựng chợ Ngã Tư Sở mới, gần 1000 hộ kinh doanh trong chợ sẽ được chuyển sang một chợ tạm khác nằm trên phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

 

Trong tháng 3/2007, BQLDA chợ Ngã Tư Sở đã tổ chức không dưới 10 cuộc họp thông báo lại Quyết định số 5387. Đa số các hộ kinh doanh nhất trí với việc xây dựng lại chợ nhưng không đồng tình với thiết kế xây dựng chợ và quy trình thực hiện xây dựng chợ.

 

Ông Phạm Văn Thành, quầy số 1, hành lang A + B bức xúc: "Số tiền chính của dự án lên gần 70 tỷ đồng, chiếm 80% tổng số tiền xây dựng chợ, chúng tôi là những hộ kinh doanh phải “gánh đủ” trong khi chủ đầu tư không phải bỏ ra một đồng nào. Chủ đầu tư giải thích thu tiền trước rồi trừ vào lệ phí thuê chỗ ngồi trong vòng 5 năm là không khả thi".

 

 Trong khi đó, một người kinh doanh tại khu B lại thắc mắc: dù mỗi hộ kinh doanh phải đóng góp một số tiền khổng lồ cho việc xây mới chợ Ngã Tư Sở nhưng lại không được tham gia bàn bạc việc xây dựng chợ ngay từ đầu. Và thực tế, chỉ đến khi mọi việc xong xuôi phía “nhà tài trợ chính” mới được mời đến để nghe QĐ đã được phê duỵêt.

 

Ngoài ra, theo các hộ kinh doanh, số tiền đóng góp mà BQL yêu cầu là quá cao. Theo tính toán, thông qua hình thức bốc thăm số tiền đóng góp sẽ dao động từ 86-120 triệu đồng/ki ốt. Riêng tầng 1, mỗi ki ốt có giá từ 500-700 triệu đồng. Nếu tính chi li thì mức thu tiền thuê quầy hàng sẽ khoảng 2 triệu đồng/tháng, mức thu này cao gấp 7 lần so với mức thu hiện tại.

 

Bà Vũ Thị Hoà, quầy 72, nhà B cho biết: đa số chủ quầy ở đây đều thuộc diện về mất sức, hiện tại còn nhiều hộ kinh doanh phải thế chấp "sổ đỏ" để lấy tiền để buôn bán. Nay, nếu phải “nai lưng” đóng góp số tiền trên nguy cơ công việc kinh doanh lụn bại gần như cầm chắc trong tay. Trong khi đó, phía chủ đầu tư cũng chưa có thông báo rõ ràng về chính sách ưu đãi cho những người có thâm niên lâu năm gắn bó với chợ.

 

Chuyện thiết kế nằm ngoài tầm với của chủ đầu tư?

 

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Dũng - Trưởng Ban quản lý chợ Ngã Tư Sở cũng không ngừng… kêu khó. Theo ông Dũng, đã nhiều lần BQL chợ giải thích với bà con số tầng và diện tích đất xây dựng các hạng mục là ngoài tầm kiểm soát của BQL. Về khu bán hàng chính gồm 6 tầng và một tầng hầm thì tầng 1 xây sẽ khoảng 150 ki ốt, các tầng còn lại khoảng 194 ki ốt, như vậy chứa đủ cho 800 hộ kinh doanh và không có chuyện thừa đất để làm các dịch vụ khác để kiếm tiền như bà con phản ánh

 

Về ý kiến khoản tiền phải đóng góp quá lớn, ông Dũng giải thích đây mới chỉ là mức dự kiến, sẽ có sự điều chỉnh để chủ đầu tư và hộ kinh doanh không bị thiệt. Đến tháng 5/2007, BQL báo cáo lên UBND quận Đống Đa.

 

Về việc chưa công bố vị trí bán hàng đã bắt dân đóng tiền, ông Dũng khẳng định khi các hộ đóng nốt 33% tiền đợt 2 thì BQL chợ mới phân chia được ngành hàng, tổ chức gắp thăm. Trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi diện tích tầng 1, 2, 3 không thay đổi, 800 chủ kiốt đều muốn bán hàng ở 3 tầng này, công bố ngay kết quả sẽ tạo ra những luồng dư luận khác nhau. Ông Dũng khẳng định ngày 25/5/2007 BQL chợ sẽ chính thức công bố mức đóng góp cụ thể cũng như những vấn đề khác mà người kinh doanh quan tâm.

 

Về những ý kiến quanh khoản tiền gần 7 tỷ đồng đóng góp từ các chủ kinh doanh, một hình thức thu hút vốn siêu lợi nhuận, ông Dũng khẳng định: "Nói đúng ra thì chúng tôi thu tiền thuê ki ốt của người dân trước 5 năm và đương nhiên sau khi chợ được hoàn thành và đi vào hoạt động thì trong khoảng thời gian này các chủ ki ốt sẽ không phải đóng số tiền trên. Sau 5 năm sẽ thu theo từng tháng một và mức giá sẽ tuỳ thuộc vào thị trường lúc đó, có thể đắt hoặc rẻ hơn".

 

Theo BQL chợ, có thể sẽ tính tới hình thức thu tiền của người mới vào cao hơn từ 10 đến 20% so với người cũ để tạo chính sách ưu đãi cho những người có thâm niên buôn bán lâu năm ở chợ. Về trường hợp những chủ kinh doanh gặp khó khăn, một cán bộ trong BQL cho biết, đã làm việc với một ngân hàng, nếu hộ kinh doanh có hợp đồng thuê ki ốt thì sẽ được vay tiền của ngân hàng đó.

 

 Phạm Hưng