Quảng Bình:

Dân “chấm điểm” cán bộ qua điện thoại

(Dân trí) - Ngày 4/1, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với tổ chức phi chính phủ Oxfam; Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ và Công ty Phân tích gian thực (RTA) khởi động Dự án “Dân chấm điểm M-Score” tại tỉnh Quảng Bình.

Dự án “Dân chấm điểm M-Score” là chương trình gọi điện phỏng vấn người dân để thu thập ý kiến đánh giá về chất lượng dịch vụ công tại Văn phòng 1 cửa (VP1C).

Theo đó, khi đến giao dịch tại các đơn vị hành chính công, người dân sẽ được yêu cầu để lại số điện thoại. Sau khi hoàn thành giao dịch, họ sẽ nhận được tin nhắn hoặc điện thoại từ tổng đài hỏi về sự đánh giá chất lượng phục vụ.

Ngoài ra, người dân cũng có thể gọi điện đến đường dây nóng 1800.8081 để biết thông tin về hiện trạng hồ sơ của mình và phản ánh, góp ý về thái độ, cách làm việc của cán bộ.

Toàn cảnh Hội nghị Dự án “Dân chấm điểm M-Score” tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Đặng Tài)
Toàn cảnh Hội nghị Dự án “Dân chấm điểm M-Score” tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Đặng Tài)

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết, Dự án nhằm mục đích thiết lập cơ chế để người dân phản hồi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính tại Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Thông qua kết quả khảo sát lấy ý kiến đánh giá của nhân dân, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân cấp huyện; các sở, ngành có liên quan thấy được mức độ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục hành chính từ đó có các giải pháp để nâng cao chất lượng thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. 

Dự án chính thức đi vào thực hiện tại Ủy ban Nhân dân các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Sau đó, tùy thuộc vào kết quả thực hiện dự án có thể mở rộng phạm vi khảo sát tại một số sở, ngành cấp tỉnh.

Được biết, Quảng Bình là tỉnh thứ 2 sau Quảng Trị thực hiện Dự án “Dân chấm điểm M-Score”. Tại các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tính đến tháng 11/2015, Dự án đã tiếp cận khảo sát được 8.440 người. Trong ba tháng gần đây, từ tháng 9 đến 11/2015, Dự án đã phỏng vấn được 1.758 người, đạt tỷ lệ thành công 97,1%.

Cũng tại Hội nghị, phía Oxfam đánh giá, sau hơn một năm triển khai, Chương trình “Dân Chấm Điểm M-Score” tại tỉnh Quảng Trị đã ghi dấu ấn với ba thành tựu chính. Trước hết, Dự án đã xây dựng được một hệ thống chỉ số công khai, minh bạch, dễ sử dụng và quản lý để theo dõi chất lượng dịch vụ công tại các VP1C cấp huyện. Đây là công cụ để các cấp lãnh đạo của tỉnh nhìn nhận đánh giá hiệu quả hoạt động của từng đơn vị một cách khách quan, chính xác.

Thứ hai, Dự án đã tạo ra cơ chế mở để người dân có thể tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền cũng như đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng dịch vụ công. Kênh thông tin của Dự án là cầu nối hữu hiệu để đưa nguyện vọng của người dân đến với các cấp lãnh đạo cũng như giúp các cơ quan chính quyền hiểu được tâm tư và nguyện vọng của người dân một cách nhanh chóng, chính xác.

Thứ ba, Dự án đã có những hỗ trợ thiết thực cả ở tầm vi mô lẫn vĩ mô, giúp nâng cao năng lực cán bộ, cơ sở vật chất của các VP1C cũng như hoàn thiện cơ chế của hoạt động của các cơ quan này.

Đặng Tài