Hải Dương:
Dân “cắm trại” phong tỏa nhà máy thép
Gần ba tháng nay, hàng trăm người dân xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương) chia nhau “cắm trại”, giăng biểu ngữ phản đối, chặn cổng ra vào của Nhà máy luyện phôi thép vuông Thái Hưng khiến công nhân không thể vào làm việc.
Nhiều lều bạt đang được dựng trước cửa nhà máy Thái Hưng.
Nhà máy Thái Hưng được tỉnh Hải Dương cấp phép sản xuất mặt hàng phôi thép, bắt đầu vận hành thử từ đầu tháng 4/2009. Cũng từ đó - theo phản ánh của người dân - nhà máy đã xả khói, bụi gây hại đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm nguồn nước... Vì vậy, gần 3 tháng nay, người dân chia nhau dựng lều, lập hàng rào, “trực” trước các cổng ra vào của nhà máy khiến nhà máy gần như phải ngừng hoạt động.
Ông Vũ Ngọc Long, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc trên, tỉnh đã lập đoàn công tác đến kiểm tra, khảo sát môi trường. Theo báo cáo của đoàn khảo sát, phần lớn các thông số đo đạc tại hiện trường đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Tỉnh đã yêu cầu nhà máy tạm ngừng sản xuất để khắc phục một số nội dung chưa đạt yêu cầu rồi mới được vận hành tiếp.
Ngày 12/6, khi vận hành thử trở lại, hệ thống máy móc của nhà máy gặp sự cố, làm bốc lên khói bụi. Thế là hàng trăm người dân lại ùn ùn kéo đến tiếp tục bao vây các lối ra vào của nhà máy, vần cối đá làm chướng ngại vật, thậm chí còn giăng dây thép gai trước cổng nhà máy kèm theo yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động.
Cho đến nay, tại hai cổng ra vào của nhà máy ven quốc lộ 5, người dân vẫn còn giăng lều bạt án ngữ với khoảng 50 người túc trực vào ban ngày và hàng trăm người vào ban đêm.
Ông Nguyễn Việt Trung, một người dân ở đội 3, thôn Cổ Phục, phản ánh: “Nhà máy nằm cách khu dân cư chưa đến 5 m, lại còn xả khói, nước thải khiến cây chết, cá chết, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Chúng tôi muốn nhà máy phải chuyển sang sản xuất mặt hàng khác chứ không được sản xuất phôi thép nữa”.
Được biết, tỉnh đã mời cơ quan chuyên ngành của Tổng cục Môi trường về khảo sát môi trường quanh nhà máy lần nữa và đã có báo cáo kết luận. Theo báo cáo mới nhất, các thông số môi trường cơ bản của nhà máy đều ổn, chỉ có tiếng ồn về ban đêm chưa đạt.
“Chúng tôi sẽ họp dân, công bố các báo cáo của cơ quan chức năng để tiếp tục thuyết phục người dân tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động bình thường” - ông Long nói.
Luật sư Trịnh Thanh: Cản trở doanh nghiệp hoạt động là phạm luật
Gần đây có nhiều vụ người dân tụ tập, bao vây doanh nghiệp để phản đối doanh nghiệp ấy gây ô nhiễm. Những động thái sau đó của cơ quan chức năng cho thấy có vẻ như sức ép của dân có kết quả. Vì vậy, không ít người ngộ nhận cho rằng mình làm vậy là đúng.
Xin khẳng định ngay nếu việc tụ tập ấy có kéo theo việc cản trở hoạt động của doanh nghiệp, gây tắc nghẽn giao thông thì người dân có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Nếu việc bao vây làm cho doanh nghiệp bị đình đốn sản xuất, gây thiệt hại thì người dân còn phải bồi thường cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khi công an đến giải tán mà dân không chấp hành, họ còn có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ.
Ngay cả khi người dân đứng trước doanh nghiệp trong trật tự để phản đối ôn hòa thì cũng là việc không nên làm. Bởi lẽ điều này tuy không trái luật nhưng rất dễ nảy sinh những tình huống phạm tội khác từ tâm lý đám đông (một lời nói sai, một hành động nhỏ của ai đó dễ gây kích động khiến cá nhân trong đám đông không kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến làm bậy, làm càn). Hơn nữa, việc tụ tập như thế chưa chắc đã gây ép-phê cho doanh nghiệp, mà còn gây khó cho cơ quan công quyền (phải đến để can thiệp, giải tán đám đông...).
Theo tôi, thay vì tụ tập, bao vây để phản đối, người dân nên thu thập bằng chứng (như quay phim, chụp ảnh doanh nghiệp xả thải, xả khói...) rồi khiếu nại đến cơ quan chức năng. Nếu cơ quan chức năng giải quyết không triệt để, người dân có thể tố cáo đến cảnh sát môi trường. Ngoài ra, người dân có thể kiện ra tòa yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại và chấm dứt việc gây ô nhiễm...
Tóm lại, người dân có quyền tự bảo vệ mình nhưng phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Phía cơ quan chức năng cũng nên tích cực hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý đơn vị gây ô nhiễm để bảo vệ người dân. Khi có phản ánh, cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý triệt để, tránh để dân bức xúc rồi có những hành động quá khích, trái luật. |
Theo Mai Minh - Thanh Tú
Pháp luật TPHCM