1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Thanh Hóa:

Dân bức xúc vì cứ trồng mía lên lại có người phá

(Dân trí) - “Mía già trổ bông lau chưa được thu hoạch, người dân xã khác lại ngang nhiên thả trâu bò cho ăn mía, thậm chí lấy dao phay ngọn mía, cây mía mang về nhà mình. Đây không phải lần đầu ruộng mía của chúng tôi bị tàn phá thế này”.

Đó là lời than thở của một người trồng mía ở xã Yên Giang, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Đúng như chị này nói, trước mắt chúng tôi là cả một cánh đồng mía bị phá tan hoang với nhiều cây bị chặt ngọn, chặt gốc hay bị đàn trâu bò vào phá nát. Cả ruộng mía chỉ còn chờ thu hoạch bỗng dưng trở thành ruộng hoang.
 
Chuyện này xảy ra đã nhiều năm nay đối với hơn 20 ha mía Công nghệ của người dân thôn 7, thôn 8 thuộc xã Yên Giang. Đối tượng thả trâu bò hoặc trực tiếp tới phá mía được cho là người dân các xã giáp ranh.
Dân bức xúc vì cứ trồng mía lên lại có người phá
Nhiều diện tích mía bị chặt ngọn trước khi thu hoạch 

“Đâu chỉ có một hai lần, năm nào cũng vậy, mía cứ gần đến kỳ thu hoạch là có người vác dao ra đồng chặt ngọn, chặt cây mang về cho trâu bò một cách ngang nhiên, bởi chúng tôi không thường xuyên ra đồng trông nom, quản lý được, cánh đồng lại cách một con sông nên cũng ít người đi qua. Cứ như thế, hết năm này qua năm khác nên đã thành thông lệ, thói quen rồi”, chị Tươi phản ánh.   

Hơn 20 ha mía này nằm giáp ranh với xã Thọ Thắng của huyện Thọ Xuân, cách xã Yên Giang con sông Cầu Chày. Trước kia đất này được người dân hai thôn trồng lúa hoặc ngô, khoai… nhưng từ khi có cây mía công nghệ của nhà máy đường Lam Sơn đưa về trồng thử nghiệm, thấy có hiệu quả, người dân chuyển sang trồng mía, chỉ còn một phần nhỏ diện tích là cấy lúa.  

Thời gian đầu trồng mía, người dân trong xã rất phấn khởi vì mía cho hiệu quả kinh tế cao, đời sống người dân được nâng cao. Các hộ dân hai thôn có thuê bảo vệ quản lý, trông coi diện tích mía công nghệ để người dân yên tâm làm việc khác. Nhưng thời gian sau, người xấu nhân cơ hội buổi trưa nắng hay chiều muộn không có người trông coi là ra đồng phay ngọn mía, chặt cây mía mang về nhà ăn và cho trâu bò ăn. Từ đây xảy ra mâu thuẫn giữa hai xã Yên Giang và Thọ Thắng, từ đó không ai đảm nhận công việc bảo vệ trông coi hơn 20 ha mía này nữa. 

Từ năm 2008 đến nay, tình trạng chặt phá mía càng nghiêm trọng. “Không còn người trông coi nên người dân chúng tôi phải tự bảo vệ lấy, hôm nào rảnh thì tranh thủ sang thăm đồng mía, nhưng tình trạng mía bị phá vẫn diễn ra. Đặc biệt là diện tích mía nằm ngoài đường đi hay giáp bờ đê sông đều bị trâu bò phá, người chặt ngọn, chặt cây mang về dẫn đến năng suất, sản lượng mía bị giảm đáng kể, nhiều chỗ mía còn bị chết do chặt ngọn cây quá sớm. Vì vậy năng suất sẽ không đạt so với tiêu chuẩn của nhà máy ..”, một người trồng mía cho biết. 

Dân bức xúc vì cứ trồng mía lên lại có người phá
Nhiều diện tích mía bị chặt phá gần 1/3 đám
 
Đứng nhìn công sức của mình bị phá nát, người dân vô cùng bức xúc. Họ đã bàn đến phương án thuê người trông coi nhưng do mâu thuẫn giữa hai xã, cộng với tình trạng phá mía quá nghiêm trọng nên không ai dám nhận trông. Người trồng mía càng bất bình hơn khi cho rằng chính quyền “thờ ơ” với mất mát của dân.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Yên Giang, cho biết: “Tình trạng hơn 20 ha mía công nghệ bị phá của người dân hai thôn 7 và 8 đã xảy ra nhiều năm nay, đặc biệt là từ thời gian không còn bảo vệ trông coi. Chúng tôi đã nắm bắt được tình hình này và cũng tổ chức nhiều cuộc họp bàn để tìm ra giải pháp trông coi, quản lý diện tích mía trên nhưng người dân 2 thôn không ai chịu nhận trông nên chúng tôi cũng đành bó tay. Trong vụ mía tới, chúng tôi vẫn tiếp tục họp bàn và cố gắng tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, còn hiện tại thì chúng tôi không có cách nào để giải quyết tình trạng trên”.

Lan Anh