1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBSCL:

Dân bờ sông thấp thỏm lo đất lở

(Dân trí) - Theo thống kê của Viện khoa học Thuỷ lợi miền Nam, dọc sông Tiền và sông Hậu hiện có hơn 10 ngàn hộ dân đang sinh sống. Cuộc sống của họ cheo leo và phấp phỏng vì luôn lo cảnh đất lở nhà trôi.

Điểm nóng nhất trong những ngày qua là khu vực bờ sông Tiền thuộc ấp Long Phước, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Tính đến ngày hôm nay 21/7 đã có một đoạn dài hơn chục mét bị lở sâu. Hàng chục hộ dân đang đối mặt với nguy hiểm vì nước đầu nguồn đổ về mạnh, làm ách tắc giao thông.

 

Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống bão lụt 6 tháng đầu năm, ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói: Việc di dời dân trong mùa lũ đã giảm thiểu nỗi lo nhưng vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ứng phó với bão lớn, giông lốc, sạt lở bờ sông. 

 


Dân bờ sông thấp thỏm lo đất lở - 1

Một căn nhà ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp vừa bị sụp đổ do sạt lở đất.
 

Hằng năm tỉnh An Giang có hàng trăm héc ta đất đã bị sạt lở, từ bờ sông vào trong khoảng 5–30 mét. Chỉ một xã Vĩnh Hòa (huyện Tân Châu) đã có 40ha đất bị sạt lở, trong đó, ấp Vĩnh An bị lở hoàn toàn. Ở huyện Chợ Mới, dòng chảy của sông Vàm Nao và sông Hậu khoét sâu vào đất liền 42 mét. Người dân chợ Mỹ Hội Đông thấp thỏm lo bị cuốn trôi lúc nào không biết. 

 

Xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vừa xảy ra một vụ sạt lở bờ sông lớn. Đoạn bờ sông Tiền bị rơi xuống sông dài hơn 30m, sâu vào đất liền hơn 10m, kéo theo nhiều thiết bị, vật dụng tại một nhà kho của một doanh nghiệp tư nhân, làm bị thương hai người, ước thiệt hại hơn 120 triệu đồng. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp: Hiện nay hai bờ sông đã xuất hiện nhiều vết lún, nứt sâu vào đất liền hơn 20m, hơn 150 gia đình đang sống trong vùng nguy hiểm. 

 

Xã Hiệp Thạnh thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có nguy cơ bị xóa sổ trên bản đồ hành chính bởi hiện tượng sạt sở đang đe doạ từng ngày. Tính mạng của trên 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở xã Hiệp Thạnh đang bị đe dọa nếu không có giải pháp tích cực.

 

Tỉnh Trà Vinh cũng đã có kế hoạch gia cố lại đoạn đê bao này dài khoảng 560 mét, tổng kinh phí  thực hiện khoảng 12 tỉ đồng. Nhiều người dân Hiệp Thạnh hy vọng lần gia cố này tuyến đê bao có thể chống chọi được những đợt triều cường.
 
Dân bờ sông thấp thỏm lo đất lở - 2
Một đoạn bờ sông Tiền trên địa phận huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp đang bị sạt lở sâu vào đất liền

 

Nguyên nhân sạt lở đoạn sông Tiền, sông Hậu và các dòng sông nhỏ ở ĐBSCL nhiều năm qua được xác định là do đoạn sông cong, luồng lạch không ổn định, chế độ dòng chảy phức tạp. Ngoài ra cấu tạo nền địa chất mềm của dòng dẫn và tình trạng khai thác cát không có quy hoạch đã tạo nên biến động của dòng chảy, gây sạt lở bất ngờ.

 

Nền đất yếu, dòng chảy không ổn định là nguyên nhân khách quan nhưng con người cũng chính là tác nhân góp phần không nhỏ vào hiện tượng sạt lở đất ở ĐBSCL.

 

Phạm Tâm