Đồng Nai:
Dân "bỏ chạy" khỏi nhà vì... sợ ngập!
(Dân trí) - Trong buổi trao đổi trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhiều người dân TP Biên Hòa phản ánh gay gắt về tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố. Một người dân cho biết: “Riêng năm 2015 có tháng ngập đến 3 lần nên nhiều người đã phải bán nhà đi nơi khác sinh sống”.
Một tháng 3 lần ngập lụt
Sáng 28/6, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã có buổi đối thoại trực tiếp với hơn 300 người dân của TP Biên Hòa về tình hình ngập úng trên địa bàn.
Theo UBND TP Biên Hòa, năm 2015, địa bàn có 25 điểm ngập, hiện nay tiếp tục phát sinh thêm 3 điểm khác; trong đó, có những nơi ngập sâu 0,6m – 1m.
Ông Nguyễn Văn Sơn, một người dân ở tổ 15, khu phố 2, phường An Bình, TP Biên Hòa cho biết: “Chúng tôi ở ngay sát sông Đồng Nai, cứ mưa là ngập. Những năm gần đây mỗi năm ngập lụt từ 4 đến 5 lần. Riêng năm 2015 có tháng ngập đến 3 lần nên nhiều người đã phải bán nhà đi nơi khác sinh sống”.
Thầy Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, khu phố 1, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa lo lắng: “Nhà trường có 1.100 học sinh, trong những năm qua khi đến mùa mưa tình trạng ngập lụt năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2015, ngập lụt 12 lần lớn nhỏ, trong đó lần ngập cao nhất mực nước trong lớp học cao đến 60 cm. Năm 2016, dù chỉ mới vào đầu mùa mưa nhưng trường cũng đã ngập 2 lần”.
Để minh chứng cho tình trạng này, thấy Vinh đã có “lời mời” Bí thư Tỉnh ủy về thăm trường vào ngày mưa để hiểu thêm.
“Tôi xin tha thiết mời Bí thư và các lãnh đạo tỉnh, thành phố về thăm trường vào ngày mưa để hiểu nơi này khó khăn thế nào”, thầy Vinh nói.
Trong khi đó, ông Vương Khải Toàn, người dân sống tại khu vực ngã ba Trảng Dài, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, một “điểm đen” về tình trạng ngập lụt cho rằng: “Hiện suối Săn Máu đã được nạo vét nhưng tình trạng ngập lụt vẫn cứ diễn ra là vì hệ thống cống thu nước còn quá ít. Từ cầu Đồng Khởi đến ngã ba Trảng Dài hơn 120m nhưng chỉ có 1 cống thoát nên mỗi khi có mưa nước thoát không kịp gây ngập”.
“Hiện thực tế là sau mỗi cơn mưa dù nước dưới suối Săn Máu vẫn còn ít nhưng trên mặt đường Đồng Khởi đã ngập khoảng 50cm”, ông Toàn phản ánh.
"Không ai gần gũi và sát thực tế hơn người dân"
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Phú Cường sau khi tiếp thu 31 ý kiến góp ý của người dân tại buổi đối thoại.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, không ai gần gũi và sát thực tế hơn chính người dân sống tại các điểm ngập. Chính vì vậy, những nguyên nhân, giải pháp mà bà con đưa ra là rất thiết thực, tiết kiệm cho ngân sách.
“Lắng nghe ý kiến của nhân dân để có các giải pháp thực hiện mang lại hiệu quả cao mà ít tốn kém nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt trong thời gian sớm nhất”, ông Cường chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh Đống Nai có mặt tại buổi đối thoại.
Cũng tại buổi đối thoại, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã kêu gọi người dân cùng chung tay giải quyết tình trạng ngập lụt. Trước mắt, người dân cần phối hợp với chính quyền bằng những hành động thiết thực để hạn chế tình trạng ngập lụt như hạn chế vứt rác bữa bãi, ra quân khơi thông cống rãnh...
Vĩnh Thủy