Dân bao vây nhà máy thép: "Sạch" ô nhiễm mới cho hoạt động

(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đối với nhà máy thép Việt Pháp đã bị người dân bao vây nhiều ngày vì gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 10/10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với huyện Điện Bàn và các ban ngành chức năng về tình hình ô nhiễm tại nhà máy thép Việt Pháp. Ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chỉ đạo: Cần xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm tại đây mới cho nhà máy tiếp tục hoạt động.

Như Dân trí đã đưa tin, thời gian qua người dân thôn 7A sống cạnh nhà máy thép Việt Pháp (cụm công nghiệp Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn) chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhà máy thép này gây nên, vì vậy người dân đã dựng hàng rào ngăn chặn nhiều ngày không cho nhà máy thép hoạt động.
 
Dân bao vây nhà máy thép: Sạch ô nhiễm mới cho hoạt động
Vì hết chịu đựng nổi với ô nhiễm của nhà máy thép nên người dân dựng rào chắn không cho nhà máy hoạt động
 
Trước đó, ngày 1/10, người dân cùng các cơ quan liên quan và lãnh đạo nhà máy thép này tổ chức đối thoại nhưng sau đó người dân vẫn tiếp tục dựng hàng rào ngăn cản hoạt động của nhà máy. Sau đó, chính quyền địa phương tiếp tục vận động nên người dân đã dỡ bỏ hàng rào với điều kiện nhà máy thép phải dừng hoạt động.

Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thu cho biết, lãnh đạo tỉnh có quan điểm là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật và phải đảm bảo môi trường sống trong sạch cho người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua doanh nghiệp không thực hiện theo đúng cam kết về đánh giá tác động môi trường.

Theo kết luận của Sở TN-MT Quảng Nam, lượng khí thải, khói bụi, tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nhà máy đã thay đổi công nghệ xử lý phát thải (từ công nghệ túi lọc sang công nghệ phun sương) nhưng chưa báo cáo và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nên phải xử phạt theo quy định của pháp luật để giữ nghiêm kỷ cương.

Chủ tịch huyện Điện Bàn – ông Lê Trí Thanh - cho rằng, nhà máy đang trong thời gian chạy thử nhưng vẫn kí kết hợp đồng kinh doanh là sai. Trong thời gian qua, các đơn vị liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhà máy để giám sát.

“Trách nhiệm phỉa thuộc về nhà máy. Chúng ta quan sát chỉ trong một thời điểm mà nhà máy sản xuất là cả một quá trình làm sao mà đúng được. Chính quyền còn lúng túng trong việc xử lý hành chính nhà máy. Nếu chúng ta làm quyết liệt hơn thì sẽ không xảy ra tình trạng như vậy”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho rằng mặc dù chưa được cấp giấy chứng nhận về môi trường nhưng nhà máy đã liên tục hoạt động bất kể thời tiết cũng như hệ thống xử lý phát thải chưa được hoàn thiện. Chính vì vậy lượng khói, bụi và tiếng ồn đã ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây. Một mặt nhà máy làm đơn kêu cứu, một mặt vẫn gây ô nhiễm môi trường. Hành động bao vây nhà máy của người dân là sai nhưng những bức xúc về vấn đề ô nhiễm của dân là đáng xem xét.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, trong thời gian tới, doanh nghiệp phải tiếp tục tạm dừng sản xuất đến khi nhà máy hoàn thành báo cáo tác động môi trường và có xác nhận của cơ quan môi trường là đã đạt tiêu chuẩn.

“Chúng ta phải có trách nhiệm với cả dân và doanh nghiệp. Phải giải quyết triệt để khi dân có ý kiến, phải đi vào với dân cùng dân giám sát. Về phía doanh nghiệp, chúng ta nên thấu hiểu cho họ, họ đang còn các hợp đồng, còn nợ ngân hàng… Khi chúng ta mời họ về đây thì chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho họ. Mình chưa hướng dẫn họ làm, chưa nhắc nhở họ thì làm sao họ biết họ nên sửa ở đâu”, ông Thu phát biểu.

Công Bính