1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đám cưới độc nhất vô nhị của đôi vợ chồng bị xem là “con ma rừng”

(Dân trí) - Không cha mẹ hai bên chứng kiến, không tiệc tùng, không tiền, chú rể tương lai đã ra chợ mua 2 chiếc nhẫn giả màu vàng chỉ 4.000 đồng/chiếc để trao cho cô dâu trong ngày cưới…


Đôi uyên ương mà chúng tôi nhắc đến ở đây là vợ chồng anh Đinh Zích (37 tuổi, ở huyện Mang Giang, tỉnh Gia Lai), còn người vợ là chị K’So Hveo (28 tuổi, ở Ia Pa, Gia Lai).

Họ đều là những người từng bị xem là “con ma rừng”, đến cả người thân cũng hắt hủi vì bị cùi. Thế nhưng, duyên trời định ở chốn bình yên tại làng phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) vợ chồng anh Đinh Zích và chị K’So Hveo đã tìm thấy hạnh phúc.

Bị hắt hủi vì là “con ma rừng”

Chúng tôi tình cờ gặp anh Zích ở khu nghĩa trang Quy Hòa, người đàn ông chân tay không hoàn toàn lành lặn đang lúi húi nhặt những chiếc lá cuối cùng cho vào bì bên những ngôi mộ của người bị bệnh phong. Sau vài phút e ngại vì mặc cảm bệnh tật, anh mới mở lòng bằng câu chuyện trông coi ở nghĩa trang: “Khi còn sống họ cũng bị người đời kỳ thị vì bệnh hủi nên phải sống trong cô độc. Khi chết họ cũng sống trong lạnh lẽo vì ở đây nhiều ngôi mộ không tên chẳng ai hương khói. Tôi may mắn được trông coi nghĩa trang được chăm sóc cho những người cùng cảnh ngộ như mình và tôi cảm thấy hạnh phúc”, anh Zích tâm sự.

Đám cưới độc nhất vô nhị của đôi vợ chồng bị xem là “con ma rừng”
Không tiền, anh Zích mua nhẫn giả trao cho vợ trong ngày cưới nhưng họ vẫn hạnh phúc với 2 đứa con kháu khỉnh

Kể về cuộc đời mình, anh Zích trầm tư một lúc rồi anh cho biết, trước kia anh là một chàng trai khỏe mạnh bình thường, lên nương rẫy, vào rừng săn bắn thú rừng. Thế nhưng, số phận không mỉm cười với chàng trai của núi rừng Tây Nguyên. Năm 20 tuổi, lúc đang làm trên rẫy thì anh thấy trong người nóng bừng kì lạ, chân tay bắt đầu nứt nẻ, đau nhức. Mọi người trong gia đình hoảng sợ đưa anh về nhà thuốc thang chữa trị. Nhưng căn bệnh không hề thuyên giảm mà da thịt anh Zích ngày càng lở loét thối rữa, các đốt ngón tay rụng dần mà không hiểu căn bệnh gì.

Lúc này, người dân trong buôn làng biết được cho rằng anh bị “con ma rừng” bắt đang ăn thịt. Lo lắng, gia đình mượn tiền bạc mua lễ vật heo, rượu rồi mời thầy mo về cúng giải hạn nhưng đều bó tay. Vì thế, dân làng lại càng tin rằng anh Zích bị con ma đó bắt. Nếu con ma cứ ở trong người anh thì sẽ làm nguy hại đến dân làng nên đuổi anh ra khỏi làng.

Công việc hàng ngày của anh Zích là trông coi nghĩa trang cho các linh hồn xấu số bị bệnh phong
Công việc hàng ngày của anh Zích là trông coi nghĩa trang cho các linh hồn xấu số bị bệnh phong

Từ đó, anh sống trốn chui trốn lủi vì sợ người làng bắt gặp. Bởi theo tục lệ người Ba Na bị đuổi ra khỏi làng thi xem như là người đã chết: “Lúc ấy chết thì dễ lắm nhưng nếu mình chết thì dân làng sẽ quay sang nguyền rủa gia đình mình, xa lánh, xem họ như quái vật chứ không phải là người. Nên mình phải cố gắng sống để chứng minh không có con ma nào cả mà chỉ là căn bệnh lạ mà dân làng không biết”, anh Zích kể lại.

Trao nhẫn cưới giả cho cô câu                                                                          

Sau những tháng ngày sống trốn chui trốn lủi do căn bệnh phong bị dân làng xua đuổi, cuối cùng anh Zích cũng tìm được hạnh phúc ở làng phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Năm 2010, anh Zích được các sơ đưa về trại phong Quy Hòa. Khoảng thời gian sống, điều trị tại Bệnh viện Quy Hòa được sự chăm sóc tận tình của các sơ, anh cảm thấy cuộc sống quanh mình còn nhiều người tốt, thấy cuộc sống ý nghĩa, muốn sống hơn…

Công việc hàng ngày của anh Zích là trông coi nghĩa trang cho các linh hồn xấu số bị bệnh phong
Anh Zích và cậu con trai 17 tháng tuổi K'So Qui lơ rất kháu khỉnh là kết quả của chuyện tình lãng mạn như trong chuyện cổ tích

 

Cuộc sống càng ý nghĩa hơn khi chính nơi này, anh đã tìm thấy người bạn đời cùng cảnh ngộ rồi nên nghĩa vợ chồng. Vợ anh, chị K’So HVeo, người con gái JaRai kém anh cả 10 tuổi. Hveo sinh ra trong gia đình nghèo có 6 anh chị em. 5 tuổi bị bệnh phong, nhưng chính gia đình là người hắt hủi bỏ em vào rừng vì sức ép của buôn làng cho rằng Hveo là con ma sẽ làm liên lụy đến gia đình, buồn làng. “Khi đó còn nhỏ mà cha mẹ bảo lùa bò vào rừng chặn, nhưng đến tối chẳng có ai đi đón về. Giữa rừng sợ lắm, lúc đó mình buộc dây thừng của bò vào bụng mình để tự con bò dắt mình về nhà”, Hveo ngậm ngùi kể lại.

Sau này, Hveo cũng được các sơ đón về Bệnh viện Phong Quy Hòa chữa trị. Tại đây, Hveo cũng đã có một mối tình với người hàng xóm cùng bị bệnh phong, nhưng gia đình nhà trai không đồng ý. Khi biết cô mang bầu thì người đàn ông bội bạc bỏ đi. Một mình chị mang nặng đẻ đau và giờ đây cô con gái của chị đã 12 tuổi, hiện đang học lớp 5.

Hạnh phúc lại đến kể từ ngày chị gặp Zích, người luôn cho chị sự cảm thông, sự chia sẻ. Những năm đầu điều trị ở nhà thương bệnh viện Quy Hòa, anh Zích ít được ra ngoài. Cho đến một hôm, vào ngày cuối tuần các bệnh nhân trong bệnh viện rủ nhau ra ngoài đồng bắt ốc về “cải thiện” bữa ăn. Sau đó, một anh bạn trong nhóm dẫn về nhà chị Hveo cùng luộc ốc ăn rồi quen nhau từ đó. “Lúc đó, sẵn ảnh có cái điện thoại nên mình xin số rồi nhắn tin qua lại. Lúc đầu chỉ nhắn tin chơi thôi chứ chưa có tình cảm. Cuối tuần, rãnh tôi dắt con gái vào chơi trò chuyện với ảnh. Có lần ảnh ra nhà mình chơi cả hai ngồi ở giường tâm sự tôi hỏi ảnh có muốn làm chồng mình không, ổng gật đầu liền. Thế là thành vợ chồng…”, Hveo hồn nhiên chia sẻ.

Tháng 3/2013, được phép của lãnh đạo bệnh viện, người đỡ đầu của anh Zích, cha xứ nhà thờ làm lễ kết hôn. Hôn lễ tổ chức đơn giản, chỉ cha xứ, người đã đầu và một vài bệnh nhân tham dự. Không tiền, anh Zích ra chợ mua 2 chiếc nhẫn…giả để làm thủ tục trao nhẫn cưới cho cô dâu. “Cả hai đều là bệnh nhân, sống bằng tiền trợ cấp của Nhà nước, nhà hảo tâm… có tiền đâu mà mua nhẫn vàng mà trao nên mình ra chợ mua 2 chiếc nhẫn giả màu vàng, mỗi cái chỉ 4.000 đồng. Đám cưới đơn giản lắm, chẳng tiệc tùng gì cả. Mấy ngày sau, vợ chồng đến chính quyền địa phương đăng ký kết hôn”, anh Zích cười…

Hiện nay, anh Zích đảm nhận việc trong coi nghĩa trang, lo hương khói cho những linh hồn xấu số chết vì căn bệnh phong. Công việc hàng ngày là quét dọn, chăm sóc cây xanh xung quanh nghĩa trang. Tới ngày tới ngày lễ tết, rằm, mùng một lại đốt nhang cho những ngôi mộ vô danh. Chiều về lại dọn vệ sinh ở chợ để ngày mai người dân trong làng họp chợ. Mỗi ngày làm việc, anh được trả 20.000/ngày. Số tiền không lớn nhưng phần nào giúp anh lo cho 2 con nhỏ.

Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn nhất của anh Zích là một mái ấm gia đình luôn rộn tiếng cười của 2 người con. Đứa lớn 13 tuổi đang học lớp 5, còn đứa nhỏ 17 tháng tuổi, mặt mũi khôi ngô. Nhìn các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, vợ chồng anh lại thêm mãn nguyện.

Doãn Công

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm