“Đại tiệc” giữa mưa dông
Chúng tôi đến đảo chìm Đá Tây A của quần đảo Trường Sa vào một ngày mưa gió sụt sùi. Tại đây, chúng tôi đã biết thế nào là những cơn dông trên biển, là gió dập sóng vùi và hơn hết là sự chân tình, chu đáo của người lính đảo
Hơn 11 giờ, chủ khách giã biệt nhau. Khi chiếc ca nô kéo chuyến xuồng thứ 2 chở khách ra tàu vừa rời đảo Đá Tây A thì mưa bắt đầu nặng hạt, dông gió nổi lên. Đứng trên đảo nhìn theo, ai cũng thót tim. Ca nô và xuồng mỏng manh như chiếc lá, cứ như phó mặc cho sóng gió vùi dập.
Hơn cả sơn hào hải vị
Lát sau, người chiến sĩ nãy giờ vẫn đứng dầm mưa quan sát ngoài cầu tàu bỗng hô to: “Ca nô chết máy rồi”. Lập tức, 4 người lính nhảy lên chiếc ca nô khác phóng ra hỗ trợ. Trên đảo, hàng trăm đôi mắt hồi hộp dõi theo. Mưa gió làm biển trời mờ mịt, những con sóng cao, trắng xóa đuổi nhau khiến 2 ca nô và chiếc xuồng chỉ là những chấm nhỏ xíu thoắt ẩn, thoắt hiện.
Gần 30 phút nữa trôi qua, 2 ca nô và chiếc xuồng trở lại đảo trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của mọi người. Lúc này, trên đảo còn khoảng 50 người. Vậy là lại lục tục bận áo mưa, bắt tay chào nhau để xuống xuồng. Tuy nhiên, khi nhóm đầu tiên đã ổn định chỗ ngồi thì từ khơi xa, một đám mây đen ùn ùn kéo tới. “Dông nữa rồi, không đi được đâu, nguy hiểm lắm” - một chiến sĩ cảnh báo. Vậy là lại lục tục lên đảo...
Cứ như thế, sau hai lần ba lượt xuống xuồng rồi lên đảo, rốt cuộc, chủ khách quyết định tận dụng cơ hội này để ngồi lại hát hò cho thỏa, mặc mưa gió gào thét.
Gần 13 giờ, mưa gió vẫn chưa ngớt, vậy là các anh lính đảo lại lui cui nấu mì đãi khách. Mì cho vào một cái nồi lớn với các loại gia vị có sẵn, đổ nước sôi vào, đậy nắp vài phút là có thể bắt đầu “khai tiệc”.
Một chàng lính đảo mở nắp vung một nồi to đầy ắp cá, mỗi chén mì một khứa cá to. Biết đây là bữa trưa của lính đảo nên chúng tôi từ chối nhưng anh gạt phăng: “Ở đây chỉ thiếu rau chứ cá thì bao la, mọi người cứ ăn thoải mái, cá tươi ngon lắm”. Nhà bếp nhỏ, chén ít nên chúng tôi luân phiên kẻ đứng, người ngồi xì xụp ăn. Trong khi đó, các chiến sĩ cứ chạy ra chạy vào rửa bát và nhất định không để ai giúp. “Đâu phải lúc nào cũng được đãi khách như thế này! Nhờ mưa gió cả, các anh chị cứ ăn no vào” - một lính đảo “động viên” thực khách.
Có lẽ nhờ nụ cười ấm áp, nhờ những giọt mồ hôi lấp lánh trên trán chàng lính đảo ấy mà ai cũng cảm thấy chén mì đơn sơ trở nên ngon hơn cả sơn hào hải vị. Nhiều người còn nói vui: “Dù chỉ có mì gói, cá kho, đứng húp xì xụp với quần áo ướt đẫm, lùng nhùng áo mưa nhưng đây là bữa “đại tiệc” vui nhất, ngon nhất trong đời”.
Chuyến xuồng bão táp
Mưa vẫn rả rích nhưng cơn dông đã đi qua, chủ nhà lại tất bật ra cầu tàu tiễn khách. Trong khi chúng tôi được trang bị đầy đủ áo mưa che người, túi chống nước bọc kín đồ đạc thì các anh lính đảo vẫn phong phanh trong bộ quân phục áo trắng, quần xanh.
“Sao các anh không mặc áo mưa, dầm mưa thế này thì lạnh lắm” - tôi e ngại. Vừa đỡ khách xuống xuồng, một chiến sĩ cười xòa: “Mưa gió này mà sá gì, lính khỏe lắm! Nguyên tắc của quân đội là khi đón khách phải ăn bận tinh tươm, mặc áo mưa nhìn không lịch sự”. Phải 3 chuyến xuồng mới chở hết các thành viên của đoàn khách ra tàu. Trong đó, chuyến cuối thật sự là chuyến bão táp khiến những người vốn quen đất liền như chúng tôi một phen hoảng vía khi lần đầu biết đến sóng gió Trường Sa.
Sóng cao, dồn dập làm chiếc xuồng lúc dựng đến 45 độ, lúc thì chúi sâu xuống như định chơi trốn tìm. Quay đầu lại nhìn, tôi thấy trong làn mưa mờ mịt, những dáng áo trắng vẫn còn đứng ở cầu tàu dõi theo. Bất chợt, chiếc xuồng chuyển tải chở đoàn khựng lại, ca nô kéo lại chết máy. Hốt hoảng, mọi người xôn xao. Người chỉ huy xuồng hét to: “Tất cả ngồi im, không được động đậy! Không việc gì đâu, tôi sẽ gọi cấp cứu”. Tiếng hét của anh át cả sóng biển, sang sảng, cương quyết nhưng đầy tin cậy, trấn tĩnh mọi người. Lập tức, anh cởi áo phao đang mặc, hướng về phía đảo vẫy liên hồi. Chúng tôi quay lại nhìn thì thấy một chiếc ca nô chở 4 chiến sĩ lướt sóng lao ra. Vậy là đảo đã chuẩn bị ca nô yểm trợ từ trước. Tôi nghe nhiều tiếng thở phào nhẹ nhõm xung quanh. Sự quyết đoán và chu đáo của chủ nhà đã trấn tĩnh những trái tim loạn nhịp, đưa mọi người ra tàu an toàn.
Trong khi cả tàu xôn xao chúc mừng, hỏi han những thành viên trên chuyến xuồng bão táp thì tôi thấy 4 chàng lính đảo lặng lẽ cho ca nô quay về Đá Tây A. Chạy ra mạn tàu, tôi định với tay chào thì không kịp nữa, chiếc ca nô đã lướt nhanh và mờ dần trong làn mưa trắng xóa, mênh mông.
Rau xếp hàng, chó kỷ luật
Thăm phòng làm việc, nghỉ ngơi của các chiến sĩ, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự khéo léo của những người tưởng chỉ biết cầm súng. Nhà bếp, phòng ngủ, nơi làm việc..., tất cả được sắp xếp gọn gàng và đẹp mắt.
Chỉ chuyện trồng rau, nuôi chó của lính đảo cũng lắm điều thú vị. Rau trồng ngoài vườn hay trong khay cũng đều rất đẹp như những vườn hoa nhỏ.
“Trời ơi, lính đảo trồng rau trông xinh quá, làm sao mà nỡ hái ăn!” - một chị trong đoàn chúng tôi thốt lên. Nhìn những khay rau muống mới mọc, xếp hàng ngay ngắn, tôi bỗng hiểu đã là lính thì phải kỷ luật đến từng việc nhỏ nhất.
Không chỉ có rau, hàng chục chú chó được nuôi trên các đảo dường như cũng hiểu thế nào là quân lệnh. Một lần, trên đảo chìm Cô Lin, tôi thấy một dãy bát xếp từ lớn tới nhỏ, có vài bát rơi vãi cơm. Vậy mà một chú chó cứ đứng liếm mãi chiếc bát đã sạch bóng. Tôi thắc mắc sao nó không qua những bát khác vét cơm thừa, một chiến sĩ giải thích: “Chúng tôi đã “biên chế” con nào thì bát đó. Chó lớn ăn bát lớn, chó nhỏ ăn bát nhỏ, không có chuyện ăn uống lung tung”. |
Theo Thiên Kim
Người lao động