1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đại lễ cầu siêu tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

(Dân trí) - Sáng 15/7, hàng trăm phật tử cùng người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội đã tham dự Đại lễ cầu siêu tri ân tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ tại chùa cổ Tư Khánh thuộc huyện Từ Liêm - Hà Nội.

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2011), nhằm tri ân tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, tại Chùa cổ Tư Khánh (Chùa Vẽ), Đại đức Thích Thanh Hùng - trụ trì nhà chùa đã cùng các Chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni Thành hội Phật giáo Hà Nội, đại biểu các cơ quan ban ngành địa phương và hàng trăm bà con phật tử, thân nhân của các gia đình liệt sĩ, người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức Đại lễ cầu siêu và cầu an tri ân tưởng nhớ các anh linh anh hùng liệt sĩ có công và tổ chức trao quà đến với các gia đình chính sách trên địa bàn.

Đại lễ cầu siêu tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - 1
Đại lễ cầu siêu tri ân các anh linh anh hùng liệt sĩ trong sự thành kính.

Đại đức Thích Thanh Hùng cho biết, việc tổ chức Đại lễ cầu siêu và cầu an các anh linh anh hùng liệt sĩ năm nay được thực hiện theo thông tư hướng dẫn của TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhà chùa đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức buổi lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người đã anh dũng hy sinh thân mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây cũng là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa xã hội nhằm thể hiện tốt tinh thần vào đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Đại lễ cầu siêu tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - 2
Thân nhân các liệt sĩ tham dự Đại lễ Cầu siêu và cầu an tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Chính (Nhật Tảo - Đông Ngạc - Từ Liêm - HN) là một thân nhân liệt sĩ chia sẻ, đây là lần đầu gia đình ông được UBND xã mời đến chùa để cầu siêu nhân ngày 27/7. Buổi lễ đã diễn ra long trọng, trang nghiêm và ông mong rằng hoạt động này sẽ được tổ chức một cách thường niên, thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước.

Chùa Tư Khánh (Chùa Vẽ) được xây dựng từ thế kỷ XVII. Năm 1993 chùa đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật. Gần đây, trong quá trình trùng tu xây dựng khi động thổ xây mới nhà thờ Tổ của chùa, đã phát hiện dấu tích hai chiếc hầm thời kháng chiến chống Pháp ngay dưới nền nhà thờ Tổ cũ.

Đây cũng là ngôi chùa duy nhất ở Thành phố Hà Nội được phong tặng danh hiệu “toàn gia kháng chiến”  trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Trụ trì trước đây của chùa, Hòa thượng Thích Thanh Lộc đã bị giặc bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò và Liễu Giai. Hòa thượng có hai đệ tử là Sư ông Thích Thanh Giang và Sư Bác Thích Thanh Diệu cũng đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng

Quốc Đô - Phạm Khoa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm