Đại hội XI của Đảng: Tiếp tục đổi mới, phát huy cao dân chủ
Trước thềm Đại hội XI của Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt chia sẻ: “Tôi mong muốn Đại hội XI của Đảng tiếp tục là Đại hội của tinh thần đoàn kết, đổi mới, phát huy cao dân chủ”.
Từng là đại biểu tham dự nhiều kỳ họp của Đại hội Đảng toàn quốc, xin ông cho biết những kỷ niệm của mình về các kỳ Đại hội Đảng mà ông đã tham gia?
Tôi may mắn được tham gia 6 khóa Đại hội Đảng toàn quốc (ĐH), từ ĐH V (1982) đến ĐH X (2006). Mỗi khóa đều có những đặc điểm, những dấu ấn riêng.
ĐH Đảng toàn quốc lần thứ V diễn ra khi tôi còn là Giám đốc mỏ than ở Quảng Ninh. Tôi đi dự ĐH với tư cách là đại biểu của tỉnh Quảng Ninh và được phát biểu ở ĐH. Lúc ấy, do còn cơ chế bao cấp nên đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy những ý kiến ở ĐH V bắt đầu bộc lộ mong muốn Đảng sớm có thay đổi chính sách, nhất là vấn đề kinh tế làm thế nào để cởi mở hơn, đổi mới hơn.
Thể hiện rõ nhất là ĐH đã thẳng thắn nhìn nhận, tự phê bình và phê bình nghiêm túc những khuyết điểm, sai lầm. Bởi sau khi thống nhất đất nước, chúng ta vẫn chưa bắt kịp với đổi mới kinh tế, chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên CNXH từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến, lại duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu bao cấp, chậm thay đổi các chính sách, lúng túng trong cách quản lý...
Xin kể một chi tiết nhỏ về những ngày ấy. Khi đi dự ĐH, Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ cho khăn mặt, bàn chải đánh răng còn tất cả đều phải đi mượn từ đôi giày đến bộ quần áo để tham dự ĐH. Đó là những kỷ niệm khó quên.
ĐH lần thứ VII của Đảng (1991) cũng để lại ấn tượng trong tôi bởi khi đó tôi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lúc này, ĐH tiến hành trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang có những diễn biến phức tạp.
Đó là sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, Đảng ta đã rất sáng suốt khi có những quyết sách quan trọng, đã ra được Cương lĩnh Chính trị năm 1991, khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như vai trò nòng cốt của sự nghiệp cách mạng nước ta là công nhân, nông dân và trí thức; khẳng định sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…
ĐH VIII (1996) diễn trong khí thế rất phấn khởi bởi đất nước ra khỏi khủng hoảng hinh tế -xã hội kéo dài nhiều năm. Nhưng sau chỉ 2 nhiệm kỳ thực hiện công cuộc Đổi mới, chúng ta đã thoát khỏi khủng hoảng.
ĐH lần thứ IX (2001) diễn ra khi Đảng ta đang quyết tâm tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm đó vẫn quán xuyến nhưng chúng ta ý thức rất rõ được vấn đề là phải tìm cách phát huy tiềm năng của đất nước một cách toàn diện.
ĐH lần thứ X (2006) là ĐH mà chúng ta có bước chuyển tiếp từ sau ĐH IX nhằm chuẩn bị tích cực cho sự phát triển của đất nước đến năm 2020, mà trước hết là phấn đấu đến năm 2010, nước ta ra khỏi danh sách nước nghèo, kém phát triển. Quá trình này là sự tập trung chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân, công nhân, trí thức.
Theo tôi, Đảng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc là những lúc khó khăn đều phải phát huy dân chủ cao ở trong Đảng, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, thấy cái đúng cái sai; không chỉ thấy mặt thành tích hay chỉ thấy những khuyết điểm, thiếu sót. Chúng ta phải nhìn nhận mọi vấn đề một cách biện chứng, cách mạng và khoa học.
Đảng ta đã trải qua 10 kỳ ĐH, mỗi kỳ ĐH là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam. Theo ông, kỳ ĐH nào đánh dấu bước phát triển mới của Đảng, tạo ra nhiều cơ hội cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đổi mới toàn diện đất nước?
Đó là ĐH VI. Không ai có thể phủ nhận ĐH lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã tạo ra một bước ngoặt trong quá trình phát triển của đất nước và còn tiếp nối đến ngày nay. Lúc bấy giờ nếu không đổi mới thì nguy lắm. ĐH VI của Đảng đã có những quyết sách rất chính xác.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh có công đầu trong triển khai. Đồng chí Trường Chinh cùng với Bộ Chính trị có công lớn trong quyết định đường lối đổi mới cũng như một loạt quyết sách quan trọng khác (như quyết định một giá, quyết định xóa quan liêu bao cấp). Vai trò của các đồng chí lãnh đạo của Đảng hết sức quan trọng, bởi nếu không sẽ chúng ta không dễ làm được.
Tôi nghiệm lại 2 việc mà mình nhớ sâu sắc nhất là đồng chí Trường Chinh đã quyết định đường lối đổi mới rất chính xác, thay mặt cho Bộ Chính trị quyết tâm sửa lại văn kiện cho phù hợp. Điều đó không dễ có thể làm được.
Việc thứ 2 là ĐH đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Điều này rất phù hợp với yêu cầu đổi mới vì đồng chí Nguyễn Văn Linh là người rất sâu sát với tình hình thực tế của đất nước do đã từng lãnh đạo cơ sở, lãnh đạo địa phương, đồng thời là Chủ tịch Tổng Công đoàn.
Đại hội XI của Đảng sắp diễn ra có tầm quan trọng rất lớn đối với đất nước trong thời kỳ mới. Vậy ông kỳ vọng gì vào Đại hội Đảng toàn quốc lần này?
Tôi rất vui mừng vì những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong năm 2010. Tôi cũng thống nhất với báo cáo và đánh giá của Trung ương về thành tựu KTXH đất nước trong năm vừa qua. Điều đáng chú ý nhất là ĐH lần thứ XI diễn ra trong hoàn cảnh đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Tôi nhận thấy, Văn kiện ĐH chuẩn bị rất tốt, cả về Chiến lược phát triển KTXH, Cương lĩnh Chính trị, Báo cáo và Điều lệ Đảng sửa đổi. Tất nhiên là không thể mong mọi việc đều hoàn hảo ngay một lúc, nhưng điều cốt yếu là chúng ta phải chăm lo người nghèo, người có công với cách mạng, công nhân, nông dân, trí thức… đồng thời luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH thì Đảng sẽ thành công.
Ta chưa thể so sánh với các nước khác khi thu nhập mới trên 1.000 USD nhưng nếu biết phân phối chăm lo người nghèo, gia đình chính sách, chăm lo cho giai cấp công nhân, nông dân thì nhân dân vẫn rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo của Nhà nước.
Với ĐH lần thứ XI, tôi mong phương châm “Nói và làm” đi đôi với nhau; khi triển khai Nghị quyết phải nghiêm túc, quyết liệt. Tôi luôn quan tâm đến tính gương mẫu từ cấp trên, “Đảng viên đi trước làng nước đi sau”; phải tạo đượng sự tin tưởng của nhân dân với Đảng từ vai trò gương mẫu của người đứng đầu.
Tôi cũng mong muốn ĐH đoàn kết, đổi mới, phát huy cao dân chủ, dân chủ thực sự, làm thế nào để trí tuệ của ĐH thể hiện trong không khí, kết quả của ĐH.
Vấn đề chuẩn bị nhân sự cần phải làm cho tốt. Tôi nghiệm thấy rằng những lúc khó khăn chúng ta càng phải tự phê bình và phê bình rõ ràng, thẳn thắng, minh bạch trên tình đồng chí chân thành. Trong ý thức phải xác định vì cái chung, vì xây dựng Đảng, vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ thành công.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Kiều Liên
Chinhphu.vn