1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại hội Phật giáo toàn quốc thông qua bản Hiến chương sửa đổi

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trong cuối phiên làm việc chiều 28/11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã biểu quyết thông qua bản tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo đó, Hiến chương sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước chấp thuận. 

Báo cáo tại Đại hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng Ban Nội dung Đại hội IX cho biết: Việc lần tu chỉnh lần này để Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động Phật sự cũng như sự phát triển của Giáo hội trước điều kiện mới.

Đại hội Phật giáo toàn quốc thông qua bản Hiến chương sửa đổi - 1

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội đồng trị sự GHPGVN báo cáo bản tu chỉnh Hiến chương. (Ảnh: GHPGVN).

Trước đó, Bản dự thảo tu chỉnh Hiến chương đã được gửi đến các ban viện Trung ương 63 tỉnh, thành phố và thông tin đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước góp ý.

"Tất cả ý kiến gửi về bản soạn thảo đã được tiếp thu và bổ sung phù hợp. Vì thế, đây chính là lần tu chỉnh Hiến chương chỉn chu và hoàn thiện nhất", Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định. 

Cũng theo báo cáo, đáng chú ý Hiến chương tu chỉnh quy định GHPGVN có 4 cấp (bổ sung cấp cơ sở là Ban quản trị tự viện) và dành riêng một chương mới quy định về nội dung này. 

Kết quả, dự thảo tu chỉnh Hiến chương đã được toàn thể Đại hội thông qua, gồm 14 chương và 86 điều, nhiều hơn Hiến chương GHPGVN hiện hành 1 chương và 15 điều.

Như đã đưa tin, với chủ đề "Kỷ cương - trách nhiệm - đoàn kết - phát triển", Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã chính thức khai mạc sáng 28/11 tại Thủ đô Hà Nội.

Theo Ban Tổ chức, một trong những trọng tâm của Đại hội lần này đó là việc tu chỉnh Hiến chương, nêu cao kỷ cương, giới luật để gìn giữ và tiếp tục đề cao giá trị Phật giáo trong xã hội hiện đại. Trong đó có nội dung xác định tài sản chung và tài sản cá nhân cũng như quy định rõ hơn về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa, không cấp cho nhà tu hành. Trong số 12 mục tiêu chương trình tổng quát trong nhiệm kỳ mới (2022-2027) được thảo luận tại Đại hội, nhiệm vụ "Nêu cao kỷ cương, giới luật" được đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt, Đại hội IX GHPGVN có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027; nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại Đại hội.

Trước Lễ khai mạc, cũng trong ngày 28/11, tại Chùa Quán Sứ, Trụ sở Trung ương GHPGVN đã cử hành Lễ cầu nguyện do Đức Quyền Pháp chủ và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự chủ lễ.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 - 2027 là sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của GHPGVN trong giai đoạn mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với hoạt động của các tôn giáo có đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.