Đại học tư thục và tư duy “tư nhân là không tốt”!
(Dân trí) - Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức với mục tiêu đưa những đề án đổi mới giáo dục đại học VN đi vào cuộc sống. Một trong những vấn đề được thảo luận tại hội nghị là thành lập đại học tư thục - chuyển các trường bán công, dân lập sang hoạt động theo cơ chế tư thục.
GS Trần Hồng Quân cho rằng, theo Luật giáo dục, tất cả các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hiện nay thực chất đều là trường tư thục. Do đó, cứ đúng luật mà làm.
Cho đến thời buổi này, ngành giáo dục vẫn còn loay hoay trong cách quản lý giáo dục đại học theo kiểu bao cấp, kế hoạch hóa tập trung. Hình như, các vị tự cho rằng đào tạo mà thoát khỏi sự nắm tay chỉ việc thì hỏng hết, để tư nhân mở trường đại học thì nền học thuật nước nhà xuống cấp, không đảm bảo chất lượng.
Lối suy nghĩ cứ “tư nhân là không tốt” đã bị cuộc sống vượt qua, đã bị đào thải theo sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Thành tựu của công cuộc đổi mới trong những năm qua đã chứng minh rất rõ, nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau được thành phần tư nhân tham gia và đạt nhiều thành công, thay cho các đơn vị công, quốc doanh hoạt động kém hiệu quả, thậm chí gây thiệt hại nhiều mặt cho đất nước. Trước thực tế đó, tất nhiên cần phải tỉnh táo để lựa chọn mô hình hiệu quả hơn.
Ai cũng biết mô hình đại học tư thục chẳng mới mẻ gì. Ở các nước phát triển, đại học do tư nhân thành lập và quản lý ra đời từ lâu. Và qua quá trình vận hành đầy năng động của nó, mô hình này đã vượt lên chiếm hẳn ưu thế trong đào tạo đại học, đóng góp rất lớn cho các quốc gia này và cả thế giới. Ngày nay, những trường đại học trứ danh đó là địa chỉ đầy mơ ước của nhân tài khắp năm châu.
Hãy tin và giao cho tư nhân xây dựng đại học tư thục dưới sự định hướng và quản lý của nhà nước. Những người dám đầu tư vào lĩnh vực này không phải tầm thường mà là đội ngũ trí thức hàng đầu. Tin và giao cho họ có nghĩa là nhà nước đã tận dụng, khai thác, phát huy được kho trí tuệ và nguồn tài chính trong dân để phục vụ cho đào tạo đại học.
Sự thông minh, năng động của những người tham gia “cuộc chơi”, cộng thêm với sự sàng lọc khắc nghiệt của cơ chế thị trường, chắc chắn VN sẽ có những trường đại học tư thục có chất lượng, có thương hiệu không chỉ với trong nước.
Lê Chân Nhân