1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại dịch cúm có thể làm chết hàng triệu người

Việt Nam đang bước vào mùa đông, cũng là mùa dịch cúm. So với 2 năm trước, năm nay đại dịch cúm trên người rất có thể xảy ra, làm chết hàng triệu người.

Đó là cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng trong buổi sơ kết ngày 18/10 tại Hà Nội về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm thời gian qua và kế hoạch sắp tới.

 

Vì thế các địa phương cần xây dựng kế hoạch riêng, huy động mọi nguồn lực, áp dụng tất cả biện pháp để ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, địa phương lại đang vấp phải những trở ngại.

 

Các tỉnh phía Bắc kêu khẩn thiết - Bộ nói hãy chờ

 

Theo kế hoạch, ngày 15/10 các tỉnh thành phía Bắc sẽ triển khai tiêm văcxin đợt 2 và chậm nhất đến cuối tháng là xong. Công việc chuẩn bị từ tỉnh xuống xã đã hoàn tất, chính quyền xã đã thông báo với bà con, nhưng đến gần ngày tiêm thì lại được thông tin văcxin mua của Trung Quốc chưa về. Ông Rong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, than phiền: "Chúng tôi rất khổ, lãnh đạo các huyện thị tới tấp gọi điện hỏi tại sao, bao giờ thì có. Hiện tỉnh thiếu 2 triệu liều văcxin, đề nghị Bộ sớm phân bổ để chúng tôi hoàn thành kế hoạch tiêm trong tháng".

 

Tỉnh Hòa Bình cũng đang chờ văcxin, nhưng theo kế hoạch phân phối đợt sắp tới thì Hoà Bình không có tên. Lý do theo Cục Thú y là ngày 20/10, văcxin mới về TPHCM và phải ưu tiên cho các tỉnh trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi phát dịch sớm hơn 1 tháng so với miền Bắc. Sau đó tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh trọng điểm phía Bắc. Còn Hòa Bình dịch chỉ xảy ra lẻ tẻ, kế hoạch tiêm phòng phải lui lại.

 

Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh, người được Bộ phân công là "tổng tư lệnh" trong việc phân bổ văcxin, khẳng định: Thuốc tiêm phòng phải nhập ngoại nên việc về muộn là bất khả kháng. Đợt văcxin về miền Bắc vào ngày 22/10 sắp tới phải ưu tiên cho các tỉnh trọng điểm như Hà Tây, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội..., còn các tỉnh dịch xảy ra lẻ tẻ như Bắc Giang, Thanh Hoá, Hòa Bình... thì phải lùi kế hoạch tiêm đến đầu tháng 11.

 

Tiền công thấp cán bộ thú ý ngại tiêm

 

Thảo luận tại hội nghị, gần 20 tỉnh đồng loạt kêu mức công tiêm phòng 50 đồng cho một con gia cầm là không thể chấp nhận được. Với mức thù lao này, cán bộ thú y trong trang phục bảo hộ nóng nực, đi ròng rã cả ngày chỉ thu được hơn 10.000 đồng.

 

Ngay như Hà Nội, thuộc loại "giàu" nhất trong các tỉnh phía Bắc cũng than phiền. "Tôi xuống xã Cổ Nhuế, thấy 1 tổ gồm 10 người, đi tiêm cho 4.000 gia cầm trong 3 ngày, tính ra chỉ được 200.000 đồng. Ít như thế không biết sẽ chia như thế nào?", ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, phản ánh.

 

Lo ngại cán bộ thú y vì tiền công quá thấp sẽ chán nản, tiêm dối, thậm chí vứt bỏ thuốc, hầu hết địa phương đã có chính sách hỗ trợ. Ví dụ tỉnh nghèo như Ninh Bình thì hỗ trợ cho 1 tổ tiêm 4 người 100 đồng một con gia cầm. Ninh Bình khá hơn thì xã hỗ trợ cán bộ thú y bữa cơm trưa, huyện bỏ thêm tiền, đảm bảo một ngày công 20.000 đồng. Cao nhất là Hà Tây chi 50.000 đồng một ngày công cho cán bộ thú y đi tiêm phòng dịch. 

 

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng hứa sẽ đề nghị Bộ Tài chính xoá bỏ quy định tiền công 50 đồng một con gia cầm. Trong lúc chờ quyết định của Bộ này, ông Bổng đưa ra một giải pháp khiến lãnh đạo các sở thở phào: "Hãy áp dụng văn bản áp dụng trong đợt dịch trước, tức là người đi tiêm phòng cũng như cán bộ tham gia phòng chống dịch, mức tiền công 50.000 đồng một ngày".

 

Chỉ Chính phủ mới chỉ đạo được các tỉnh

 

Lãnh đạo ngành nông nghiệp đều thừa nhận tiêm văcxin chỉ là biện pháp cuối cùng trong công tác phòng chống dịch. Quan trọng nhất là phải quy hoạch, xây dựng các khu vực chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm tập trung, tránh xa khu dân cư.

 

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Đào Duy Tâm cho biết, Sở đã tham mưu với UBND Hà Nội ban hành quy chế chăn nuôi, giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm, trong đó có cả chế tài xử phạt nghiêm khắc người vi phạm, nhưng thành phố chưa quyết.

 

Còn Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Thái Bình thì cho rằng để quy hoạch các điểm chăn nuôi, giết mổ thì riêng ngành nông nghiệp không làm nổi, cần tới cả thương mại (quản lý chợ). Vì thế, việc này phải lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo mới xong.

 

Trước kiến nghị của địa phương, Cục trưởng Bùi Quang Anh khẳng định: chỉ có Chính phủ mới chỉ đạo được các tỉnh. Trước đó, Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, trong đó nhấn mạnh các địa phương cần khẩn trương quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chợ buôn bán kinh doanh động vật sống, sản phẩm động vật.

 

Theo Như Trang

Vnexpress