1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại dịch Covid-19 chứng minh sức bền của kinh tế Thủ đô

(Dân trí) - “Thực tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua cũng chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%...”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói.

Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trung ương vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị có 14 ý kiến đóng góp trực tiếp của đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, các viện nghiên cứu trung ương.

Phát biểu tại đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú góp ý, Hà Nội đánh giá kinh tế trong nhiệm kỳ qua tăng trưởng khá, đây là một đánh giá khiêm tốn, bởi thực tế mức tăng trưởng bình quân trên 7% trong 5 năm qua là mức tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng với tăng trưởng của cả nước. 

Đại dịch Covid-19 chứng minh sức bền của kinh tế Thủ đô - 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

“Hà Nội phải khẳng định là một trung tâm kinh tế, là đầu tàu của cả khu vực, do vậy, báo cáo chính trị cần đánh giá sâu hơn và thỏa đáng hơn vấn đề này”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói.

Về tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Hà Nội cũng là địa phương có mức tăng trưởng rất nhanh, chiếm hơn 34% tổng mức huy động tín dụng của cả nước.

Cùng với huy động vốn thì tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của Hà Nội cũng cao nhất cả nước, vì thế, trong phần đánh giá cần nêu bật nội dung này để khẳng định nền kinh tế của Hà Nội rất bền vững.

“Thực tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua cũng chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%...”, ông Tú nói.

Theo Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, với kết quả 6 tháng đầu năm 2020 và các giải pháp trong thời gian tới, TP Hà Nội chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu đã báo cáo với Chính phủ là tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần so với GDP cả nước, đạt 6-6,5%.

Ông Tuấn cho rằng, trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tài chính, kinh tế lớn trên thế giới đều dự báo, kinh tế thế giới không thể tăng trưởng trên 3% như dự báo ban đầu, mà khả năng sẽ tăng trưởng âm, từ âm 1% đến 0%, thậm chí thấp hơn. Từ đó khẳng định mức độ tăng trưởng theo dự báo nêu trên của Hà Nội là rất ấn tượng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc nhất các chỉ tiêu của ngành, là địa phương đóng góp cao nhất vào sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia 5 năm qua. Trong đó, mức tăng thu ngân sách bình quân hằng năm của cả nước từ 12 đến 14%/năm, nhưng Hà Nội tăng 16%/năm. Hà Nội cũng điều hành ngân sách rất an toàn với dự phòng thường xuyên 15-17 nghìn tỷ đồng, nợ công ở mức 11.000 tỷ đồng.

“Tính đến nay, thu ngân sách của Hà Nội đã đạt 40% dự toán, mặc dù TP đã gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp với số tiền lên tới 17.200 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số 37.000 tỷ đồng tiền thuế được gia hạn hỗ trợ doanh nghiệp trên cả nước”, ông Tuấn cho hay.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm