1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đại ca” hoàn lương nuôi 5 con nên người

(Dân trí) - “Danh tiếng” “đại ca” Nguyễn Đình Tám nổi như cồn ở Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An, từ khi Tám còn là một cậu học trò. Đánh người, trộm cắp, buôn hàng cấm, đánh bạc, đi tù… Tám đều đã nếm đủ...

Vừa vào cấp 3, cậu học trò Nguyễn Đình Tám đã lĩnh án 16 tháng tù giam vì tội “đánh người gây thương tích”. Ra tù, Tám tiếp tục theo học, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp thì lại bị bắt giam 12 ngày do có liên quan đến một vụ trộm.

 

Rồi Tám bỏ học cưới vợ. 5 đứa con lần lượt ra đời. Tám mua mảnh đất tại ngã tư, buôn bán hàng cấm, hàng lậu. Kinh tế lên như diều gặp gió. Ngã tư Hợp Thành là nơi tập trung các loại tội phạm với cái tên mà người lương thiện nghe đã khiếp vía: “ngã tư quỷ”. Và Tám là một nhân vật cộm cán ở đó, dưới trướng có biết bao đàn em côn đồ.

 

Nhiều lần Tám bị bắt vì các tội: tổ chức đánh người, đánh bạc, buôn hàng cấm, gây rối trật tự, thanh toán băng đảng… Bắt rồi lại phải thả vì Tám ranh ma xảo quyệt, luôn chứng minh được mình ngoại phạm.

 

Năm 1993, Tám dồn vốn liếng tích cóp bao lâu “đánh” một “quả” hàng cấm lớn nhưng bị bắt sạch. Cùng lúc đó, vợ Tám phải mổ ruột thừa, con phải phẫu thuật ngoài Hà Nội. Gia tài khánh kiệt, phút chốc Tám trắng tay. Những kẻ trước đây từng là chiến hữu đều quay lưng, bạn hàng xa lánh. Chính lúc đó, chính quyền địa phương, ban công an xã, bà con lối xóm lại mở rộng vòng tay nhân ái, tận tình giúp gia đình Tám vượt qua cơn bĩ cực. Chính trong hoàn cảnh ấy, Tám mới thấu hiểu thế nào là lương thiện, là lòng nhân. Và Tám tỉnh cơn mê muội.

 

Năm 1995, để giải quyết khó khăn, “đại ca” nghèo thế chấp nhà cửa vay ngân hàng cho vợ xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Ai ngờ chị kẹt lại mãi đến nay. Từ đó, anh một mình gà trống nuôi con, lăn lộn sớm khuya. Có bao nhiêu đất hoang hoá anh đều lăn mình khai khẩn trồng lúa trồng rau, tiên phong du nhập các giống lúa mới, trở thành người làm nông nghiệp giỏi.

 

Thấy bà con phải lên tận thị trấn mới mua được lân đạm, anh nhờ công an xã đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng mở dịch vụ buôn bán lân đạm, rồi mở rộng ra hàng vật tư xây dựng. Khi đồng vốn đã kha khá, anh cho bà con vay đầu tư ruộng trước, mùa thu hoạch trả tiền sau, chấm dứt cảnh bán lúa non, vay nặng lãi.

 

Vừa ra sức phát triển kinh tế, anh vừa kèm con học với một kỷ luật “sắt”. Anh luôn dặn các con: “Bố đã từng hư hỏng, đừng để họ nhắc ‘tre nào măng ấy’”. Không phụ công anh, cậu con đầu Nguyễn Công thi đậu đại học nhưng quyết ở nhà giúp bố làm kinh tế. Rồi cậu được vào Đảng, anh Tám phấn khởi càng cố vươn lên làm giàu bằng đường đi chân chính.

 

Từ một kẻ cộm cán hảo hán, anh trở thành ông chủ. Năm 2006, anh mở cửa hàng Internet cho cậu con trai thứ 2 Nguyễn Minh, vừa tốt nghiệp đại học ngành tin học, về cai quản. Cậu con trai thứ 3 Nguyễn Chính đang học năm thứ 4 Đại học Huế. Cô con gái thứ tư Nguyễn Thị Chuyên học Đại học Tài chính Sài Gòn. Cậu út Nguyễn Nghĩa 12 tuổi hiện là học sinh trường năng khiếu chuyên THPT Bạc Liêu - Yên Thành. Riêng cậu cả giờ đã phấn đấu thành Phó Bí thư đoàn xã.

 

Bản thân “đại ca” ngày nào giờ trở thành cộng sự tin cậy của công an địa phương, tích cực tham gia giúp đỡ những người lầm lỗi, tố giác bắt giữ tội phạm; là mạnh thường quân của Hội Khuyến học dòng họ và Hội Nông dân. Anh còn giúp một người cháu cai nghiện thành công và cấp vốn cho làm ăn lương thiện.

 

Đưa tôi vào căn nhà hai tầng khang trang hai mặt tiền tại ngã tư Hợp Thành, anh chỉ cho tôi xem đủ loại bằng khen, giấy khen của cả 6 cha con rồi chia sẻ: “54 tuổi đời tôi đã nghiệm ra rằng, đi theo con đường bất chính sẽ bị diệt vong; đi theo con đường chính đáng sẽ tồn tại và phát triển. Ở đâu, làm gì cũng không thể tách hỏi tập thể và phải luôn hướng thiện”.

 

Trường Thọ