1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại biểu Quốc hội: Thảm kịch "người rơm" diễn biến ngày càng phức tạp

Thế Kha

(Dân trí) - "Thảm kịch "người rơm" diễn biến ngày càng phức tạp. Với chiêu thức lừa đảo việc nhẹ lương cao, người lao động dễ bị lừa sang nước ngoài theo con đường bất hợp pháp", đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, chiều 27/10, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) dẫn lại câu chuyện đau lòng xảy ra vào năm 2019 khi có 39 người chết trong container tại Anh. Bà cho rằng, vụ việc đã gióng lên hồi chuông về tình trạng mua bán người, nô lệ thời hiện đại.

Vị đại biểu cũng nhắc trong năm nay xảy ra chuyện hơn 1.000 người lao động được giải cứu trong các casino ở Campuchia.

Cần siết chặt công ty môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài

"Việc này cho thấy thảm kịch "người rơm" diễn biến ngày càng phức tạp. Với những chiêu thức lừa đảo việc nhẹ lương cao, người lao động đã dễ dàng bị lừa sang nước ngoài theo con đường bất hợp pháp, bị bán qua các sòng bạc. Họ phải bất đắc dĩ trở thành tội phạm lừa đảo; bị đánh đập, tra tấn; bị bán từ casino này qua casino khác hay bị đòi trả tiền chuộc…", đại biểu nêu thực trạng.

Đại biểu Quốc hội: Thảm kịch người rơm diễn biến ngày càng phức tạp - 1

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo bà Tâm, điều đáng buồn là sau khi được giải cứu những cạm bẫy vẫn tiếp tục trực chờ, bài toán việc làm vẫn còn bỏ ngỏ. Mới đây, hàng chục lao động lao động có thời vụ tại Hàn Quốc cũng bỏ trốn.

Chính vì thế, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị Chính phủ sớm đánh giá và có các giải pháp cụ thể; đồng thời đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an tiếp tục siết chặt việc quản lý các công ty môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài.

Đại biểu đề nghị Bộ Công an đẩy mạnh hơn hợp tác quốc tế trong việc triệt phá các đường dây môi giới buôn bán người; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường triệt phá các tội phạm lừa đảo qua app mà điển hình là những cuộc gọi mạo danh.

"Không phải ngẫu nhiên mà số người Việt Nam được các lực lượng chức năng giải cứu thời gian qua tăng đột biến. Điều này một phần cho thấy nỗ lực quyết liệt của các lực lượng chức năng, nhưng một phần nó thể hiện sự diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng của người lao động khát việc làm, nhất là sau cơn đại dịch", bà Tâm nêu quan điểm.

Bà đưa ra dẫn chứng, trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi là 2,35%. Con số này giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng hơn so với năm 2019, trước đại dịch là 2,17%. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện các chương trình cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm.

Tại Nghị quyết số 11, tổng nguồn vốn hỗ trợ duy trì mở rộng, tạo việc làm là 10.000 tỷ đồng. Tuy vậy, thực tế cho thấy nguồn cho vay từ quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế.

Năm 2016 đến nay, ngân sách Nhà nước không cấp bổ sung cho quỹ, nguồn vốn của quỹ chỉ được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay hàng năm.

Nghị định số 61/2015, Nghị định số 74/2019 của Chính phủ cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội huy động vốn để cho vay. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn từ chương trình rất lớn nên việc bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm là nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh hiện nay.

Vì vậy, bà Tâm cho rằng cần có cơ chế thông thoáng hơn để tiếp cận nguồn vốn này. Cụ thể, tháo gỡ sự chồng chéo giữa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Luật Việc làm với hướng dẫn đề nghị vay vốn ban hành kèm theo Nghị định số 74 của Chính phủ. Việc này giúp người lao động tiếp cận vốn vay ngay tại địa phương khi họ mở cơ sở sản xuất, không cần có xác nhận địa phương nơi cư trú hợp pháp.

"Việc tạo điều kiện giải quyết vấn đề việc làm bền vững cho người lao động không chỉ giải quyết tận gốc vấn đề đưa người Việt Nam đi lao động trái phép mà còn góp phần hạn chế tình trạng mua bán người", bà Tâm nêu vấn đề.

Đề nghị mức tăng lương với người có công

Sau ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập về điều chỉnh lương cơ sở, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, Chính phủ dự kiến báo cáo với Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng, tương đương với mức tăng là 20,8%. "Điều này cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thì rất phấn khởi, tuy nhiên tôi rất băn khoăn đề nghị mức tăng với người có công", ông Hùng nói.

Đại biểu Quốc hội: Thảm kịch người rơm diễn biến ngày càng phức tạp - 2

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo ông, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công và hiện nay có khoảng 1,2 triệu người đang hưởng trợ cấp, nếu điều chỉnh mức tăng tương đương khoảng 20,8% thì đối tượng này được khoảng 1,96 triệu đồng/1 tháng. Như vậy, mức trợ cấp này chưa bằng chuẩn nghèo ở đô thị.

"Tôi thấy rất băn khoăn, cho nên tôi đề nghị Bộ trưởng Nội vụ nên nghiên cứu báo cáo lại với Chính phủ đề nghị với Quốc hội tăng mức lương cho đối tượng này", đại biểu đề nghị.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội năm 2022 là tăng trưởng, theo ông Hùng, đối tượng này nếu dưới mức chuẩn nghèo của đô thị như thế sẽ không phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 14 của Trung ương về chăm sóc người có công.

"Tôi đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu điểm này để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội cho ý kiến", ông Hùng nêu rõ quan điểm.