Đại biểu Quốc hội: Không ít cán bộ "mắc bệnh" thù lâu nhớ dai!
(Dân trí) - Cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), đại biểu Chu Sơn Hà chỉ rõ không ít cán bộ "mắc bệnh" thù lâu nhớ dai. Bởi thế khi dân kiện quan, quan thường được xử thắng dân.
Sáng 27/10, đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật tố tụng hành chính sửa đổi. Các đại biểu tập trung cho ý kiến làm rõ những băn khoăn tại khoản 3, điều 62 về trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.
Xử quan thua dân, thẩm phán bị luân chuyển!
Tại hội trường, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, không ít cán bộ mắc "căn bệnh" thù lâu nhớ dai. “Có một vụ án các đồng chí trong Hội đồng xét xử quyết định quan thua dân. Thẩm phán xử vụ đó có năng lực, trình độ, nằm trong quy hoạch, nhưng sau đó bị luân chuyển công tác đến vị trí khác. Nói như vậy để thấy bệnh thù lâu nhớ dai trong cán bộ của chúng ta không phải là không có”, đại biểu Chu Sơn Hà nói.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cho biết, rất nhiều người dân mong đợi, kỳ vọng vào đợt sửa đổi Luật Tố tụng hành chính lần này. “Xưa nay, người dân vẫn rất e ngại đi kiện quan. Đợt sửa đổi lần này hi vọng giải tỏa được tâm lý e ngại của người dân khi có việc phải ra tòa để tìm sự công bằng. Điều này có tác động tích cực để nền hành chính ngày càng minh bạch, hiệu quả”, đại biểu Hùng nói.
Để xóa bỏ tâm lý e ngại của người dân, đại biểu Hùng đề nghị xác định Tòa án Nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính liên quan đến cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính. Trong quá trình xét xử nếu còn vướng mắc giao cho tòa án cấp cao xử lý.
“Tôi biết đây là việc khó nhưng vẫn phải làm, các cấp ngành cùng nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu làm được như vậy sẽ đem lại lợi cho nhân dân, cho nền hành chính”, đại biểu đoàn Bình Phước đề nghị.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) nhận thấy nếu quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện sẽ khắc phục được những hạn chế trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Vì nhiều trường hợp ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc tham gia tố tụng đã gây trở ngại cho quá trình giải quyết vụ án.
“Nhiều người được ủy quyền không đủ thẩm quyền để giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Chỉ có người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia vụ án hành chính mới hiệu quả, bảo đảm khắc phục những sai sót và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người đi khởi kiện”, đại biểu Thân Đức Nam nêu rõ quan điểm.
Chỉ ủy quyền cấp phó sẽ phát sinh nhiều khó khăn
Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) cũng nhận thấy nhiều vụ án dân kiện quan bị kéo dài rất lâu chỉ vì người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho cán bộ chuyên môn thuộc cấp sở hoặc cấp phòng là người đại diện ra trước tòa. Lý do những vụ án hành chính như vậy bị kéo dài vì người được ủy quyền không có thẩm quyền, không giải quyết được vụ việc.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre) cho rằng, việc ủy quyền cho cấp phó như quy định chỉ phù hợp ở một số nơi, một số vụ án hành chính. Đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc mở rộng phạm vi ủy quyền đại diện cho người bị kiện là cơ quan tổ chức hay người đứng đầu cơ quan tổ chức.
“Nếu người bị kiện đứng đầu cơ quan hành chính chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình thì sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước và cho tòa án khi giải quyết vụ án hành chính”, đại biểu tỉnh Bến Tre lo ngại.
Theo đại biểu Bình đa số vụ án có người bị kiện là UBND hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh, quận huyện là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hành chính ở địa phương. Nếu Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quản lý nhà nước, đến kinh tế - xã hội ở địa phương.
“Nếu người được ủy quyền là đại diện của cơ quan chuyên ngành hoặc cán bộ tham mưu giúp việc của Văn phòng UBND thì họ có nhiều điều kiện tham gia hơn vào quá trình giải quyết các vụ án hành chính. Ở đây quan trọng nhất là ý thức chấp hành pháp luật, sự hợp tác, sự nhận thức của chính quyền các cấp”, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình phân tích thêm.
Quang Phong