Đại biểu nghẹn ngào khi tranh luận với Chánh án về hai vụ án lớn
(Dân trí) - Trong phần phát biểu, nữ đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy không giấu nổi cảm xúc khi tiếp tục tranh luận với Chánh án về việc áp dụng pháp luật trong hai vụ án liên quan Vũ "Nhôm" và cựu Chủ tịch Đà Nẵng.
Chiều 21/11, khi thảo luận về công tác hoạt động của tòa án trong năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đã dành toàn bộ thời gian trong bài phát biểu để tranh luận lại với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về việc áp dụng pháp luật trong hai vụ án cùng liên quan đến cùng 3 tài sản Nhà nước ở Đà Nẵng, đó là vụ Phan Văn Anh Vũ và vụ cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh.
Trước đó, trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết với vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") cùng các bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, TAND thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm (bản án 346 ngày 13/6/2019) xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản Nhà nước đã mua/thuê trái phép.
Trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (năm 2010 và 2011).
Trong vụ án Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí và tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, cả bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội (bản án số 158 ngày 12/5/2020) lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố (năm 2018).
Bà Thúy chỉ ra điểm chung là cả hai vụ án đều được TAND thành phố Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử, đều liên quan đến 3 tài sản Nhà nước tại Đà Nẵng, nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản.
Theo đó, một vụ trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội; còn một vụ trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.
Ghi nhận phần trả lời của Chánh án khi lý giải về hành lang pháp lý, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có Nghị quyết hướng dẫn xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội.
Theo đó, với những vụ án xảy ra trước khi có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mà trái với Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, không đúng, sẽ phải xem xét lại.
Dù vậy, nữ đại biểu chưa hài lòng với phần trả lời của Chánh án khi nói rằng, việc xem xét lại một vụ án có điều kiện được ghi rõ trong luật, cần làm theo đúng quy định, tòa không thể căn cứ vào ý kiến phát biểu tại hội trường hay của ai đó mà xem xét lại vụ án bởi việc này không đúng trình tự tố tụng.
"Tôi không can thiệp vào trình tự tố tụng của tòa án, đề nghị tòa án phải làm cái này, cái khác. Tôi chỉ phản ánh ý kiến của cử tri về việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất trong xét xử hai vụ án cùng liên quan 3 tài sản Nhà nước tại Đà Nẵng", bà Thúy nhấn mạnh.
Chia sẻ với Chánh án về việc xem xét lại các vụ án đã có bản án phải theo đúng trình tự pháp luật, song đại biểu Thúy cho rằng ý kiến trên của Chánh án được phát biểu trước toàn thể Quốc hội và truyền hình trực tiếp tới cử tri cả nước "rất dễ gây hiểu lầm".
"Mỗi cán bộ đều là công bộc của dân, cần trân trọng lắng nghe ý kiến của dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh", bà Thúy nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rằng "hai vụ án này khi nêu ở hội trường Quốc hội khó có thể bàn khi không có hồ sơ". Chánh án tòa tối cao tái khẳng định "việc xem xét lại hai vụ án này phải theo đúng trình tự pháp luật".
Nhất trí rằng đại biểu có quyền phản ánh với các cơ quan khi bản án có vấn đề, nhưng theo ông Bình, luật cũng quy định phải phản ánh với cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, là Viện kiểm sát, tòa án.
Luật cũng quy định rõ cách thức phản ánh bằng văn bản, lời nói và nội dung phản ánh theo trình tự tái thẩm hay giám đốc thẩm phải đảm bảo các điều kiện.
"Khi có đủ các điều kiện này, Viện kiểm sát hoặc tòa án sẽ kháng nghị. Trên cơ sở kháng nghị, Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét theo đúng trình tự", ông Bình nói và nhắc lại nếu hai vụ án trên có vấn đề, việc xem xét sẽ theo trình tự.
3 câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chánh án trả lời
Một, vì sao Tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản Nhà nước trong 2 vụ án ở Đà Nẵng?
Hai, Quyết định Giám đốc thẩm số 14 khẳng định bản án phúc thẩm số 346 đã xử đúng, thì bản án phúc thẩm số 158 có xử sai quy định của pháp luật về việc xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không?
Vì cùng tài sản ấy mà bản án phúc thẩm số 346 xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm vi phạm năm 2010 chỉ có hơn 32 tỷ đồng, nhưng bản án phúc thẩm số 158 lại tính giá trị thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án (năm 2018) hơn 167 tỷ - gấp hơn 5 lần.
Ba, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử 2 vụ án trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật?