1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại biểu mong Chính phủ thông tin rõ tình hình Biển Đông

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 5/6, một số đại biểu cho biết, rất muốn nghe Chính phủ báo cáo rõ tình hình thực sự đang diễn ra ngoài Biển Đông và chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề này.

Với những hành động Trung Quốc làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông, trong đó có việc cải tạo trái phép các bãi đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết, ông tin báo cáo của Chính phủ (vào 16h chiều nay) sẽ có nhiều thông tin mà báo chí trong nước và nước ngoài chưa từng đề cập.

“Điều tôi chờ đợi là biện pháp, cách thức, định hướng, kế hoạch mà Đảng, Nhà nước phải làm, sẽ làm như thế nào để tiếp tục khẳng định chủ quyền của chúng ta và an lòng dân”, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Nam Định nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn muốn Quốc hội có tiếng nói chính thức về vấn đề biển Đông
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn muốn Quốc hội có tiếng nói chính thức về vấn đề biển Đông (Ảnh Việt Hưng)

Trao đổi với báo chí về vấn đề biển Đông, đại biểu Sơn nhắc lại lời của người đứng đầu Chính phủ tại kỳ họp trước: Với Trung Quốc chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Hợp tác là cần thiết nhưng nhiệm vụ của chúng ta là giữ vững chủ quyền, không vì hợp tác mà hy sinh dù chỉ một tấc đất.

“Trong thâm tâm tôi rất muốn Quốc hội phải có tiếng nói chính thức. Tôi luôn hình dung ra đến một ngày nào đó, họ sẽ đưa ra bằng chứng, cho rằng các hành động hiện tại của họ như vậy trên Biển Đông mà Chính phủ, Quốc hội chúng ta không phản ứng mạnh mẽ. Đó là một tiền lệ rất xấu. Chúng ta đã có bài học lịch sử rồi”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nêu băn khoăn.

Liên quan đến đối sách về vấn đề biển Đông, đại biểu cho biết, phải cân nhắc trong bối cảnh cụ thể hai nước để đưa ra phản ứng. Theo đại biểu Sơn, cử tri cũng phản ánh dường như chúng ta còn hơi rụt rè, chưa phản ứng dứt khoát, cương quyết trước việc Trung Quốc cải tạo trái phép bãi đá, bãi cạn ở biển Đông.

“Cử tri còn so sánh tại sao nước ngoài còn có phản ứng mạnh mẽ hơn chúng ta. Thế nhưng tôi tin rằng Đảng và Nhà nước đã phải tính toán cụ thể để đưa quyết định để không tự đặt mình vào tình thế khó khăn, để tìm tiếng nói chung, cách đi để chúng ta không lúng túng”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói thêm.

Về phía Quốc hội, đại biểu Sơn cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc ra một thông báo về vấn đề biển Đông như kỳ họp trước là chưa đủ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Còn với cá nhân đại biểu Sơn luôn muốn Quốc hội nghe và dành thời gian thảo luận rõ về vấn đề biển Đông.

“Thời gian họp Quốc hội kỳ này còn tương đối dài. Do vậy, theo tôi vẫn có thể bố trí được chương trình thảo luận về biển Đông nếu số đông đại biểu có ý kiến và kiến nghị”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn bày tỏ mong muốn.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, ông và các đại biểu khác muốn nghe Chính phủ báo cáo rõ tình hình thực sự đang diễn ra ở Biển Đông như thế nào và chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề này ra sao.

“Quyết sách của chúng ta phải hết sức mềm dẻo, khôn khéo về tình hình Biển Đông. Chúng ta phải tuyên truyền để các nước ủng hộ mình và yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng Công ước về Luật biển 1982”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Đề cập đến việc cung cấp thông tin về vấn đề Biển Đông để an lòng cử tri, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, mức độ thông tin thế nào phải do các cơ quan công quyền quyết định, nhưng không phải công khai hết đã là tốt.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ báo cáo trước Quốc hội về tình hình biển Đông vào 16h chiều nay. Những thông tin liên quan đến vấn đề biển Đông được Quốc hội họp riêng.

Quang Phong