1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Kỳ họp HĐND TPHCM:

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở bằng “vật chứng”

Không khí buổi chất vấn HĐND TPHCM hôm qua, 11/12, “nóng” và căng thẳng ngay từ những phút đầu. Chủ tịch HĐND TP đã phải tăng lên 7 Sở đăng đàn để đáp ứng yêu cầu của đại biểu. Còn để tăng thêm độ thuyết phục, các đại biểu đã mang cả “vật chứng” là nước thải, ảnh tư liệu… đến bàn chất vấn.

“Tôi làm đại biểu HĐND chứ không phải ca sĩ!”

 

Mặc dù Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đã đưa danh sách 5 sở, ngành sẽ trả lời chất vấn tại hội trường (Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông - Công chính, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng và Giáo dục - Đào tạo), nhưng các đại biểu “quyết tâm” tăng thêm 2 sở, ngành. Đại biểu Phạm Minh Trí căng thẳng ngay từ đầu: “Vì sao Sở Y tế không có trong danh sách trả lời chất vấn? Nếu chỉ hỏi cho biết, trả lời chất vấn cho qua, thì tôi không chất vấn nữa. Bởi vì tôi là một đại biểu HĐND chứ không phải là ca sĩ mà diễn trên nghị trường này”.

 

Tiếp đó, đại biểu Võ Văn Sen có ý kiến: “Tôi đề nghị Chủ tịch HĐND bổ sung thêm Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn Thông phải đăng đàn. Vì có rất nhiều vấn đề lớn về định hướng phát triển ngành công nghệ cao của thành phố chưa được giải đáp”.

 

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đã chấp nhận ý kiến của các đại biểu, bổ sung thêm Sở Y tế và Sở Bưu chính - Viễn thông vào danh sách trả lời chất vấn.

 

Cầu tắc, đường ngập: chuyện không phải của Sở GTCC (!?)

 

Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Phượng nhấn mạnh: “Việc triển khai thực hiện các công trình trong điều kiện chưa giải tỏa hoặc vừa giải tỏa vừa thi công chắc chắn không đảm bảo tiến độ công trình. Để chấm dứt tình trạng này, Sở GTCC đã kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư chỉ được phép thi công sau khi UBND các quận huyện bàn giao mặt bằng trống 100%. Kiến nghị thành lập một ban chỉ đạo về giải phóng mặt bằng chung cho tất cả các dự án của thành phố”.

 

Đại biểu Đặng Văn Khoa có ý kiến ngay: “Tôi hoàn toàn thông cảm với những khó khăn của ngành. Nhưng giám đốc có biết hiện ở thành phố có bao nhiêu cây cầu xây xong rồi để đó không? Tôi chỉ xin đơn cử cầu An Lộc ở quận 12 nối với Gò Vấp, làm xong 6 năm rồi mà không ai đi cả, vì một bên có đường còn bên kia nối với đám dừa nước!? Mấy ngày trước chúng tôi đã biểu quyết về ngân sách năm 2007, dành 10.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, vậy mà đầu tư như thế thì trách nhiệm ở đâu?”.

 

“Đây là vấn đề khá bức xúc, nhưng trách nhiệm chính không phải Sở GTCC, vì cầu này do UBND quận 12 làm chủ đầu tư. Cũng có thể do khu vực này ít người qua lại nên chủ đầu tư cũng hơi lơ là!” - ông Phượng giải trình.

 

Giám đốc Sở GTCC thừa nhận: Công trình chậm chủ yếu do năng lực của chủ đầu tư, trình độ tổ chức yếu.

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lên tiếng, công trình chậm là do năng lực nhà thầu yếu hay do việc chọn nhà thầu chưa chặt chẽ, có vấn đề? Giám đốc Sở GTCC nhẹ nhàng: “Bản thân Sở GTTC không “đẻ” ra được các đơn vị này. Các nhà thầu được chọn trên cơ sở công khai, làm đúng quy trình, nhưng nhiều khi họ có nhiều công trình, dự án nên bị ảnh hưởng”.

 

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng bày tỏ gay gắt sự không hài lòng đối với cách trả lời của Giám đốc Sở GTCC, cho rằng trách nhiệm của sở về chuyên môn không rõ ràng, sở không dám nhận trách nhiệm.

 

Chủ tịch HĐND TP lưu ý Giám đốc Sở GTCC 4 vấn đề. Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp kiểm tra của sở, nếu làm không được thì phải đề xuất TP giải quyết. Thứ hai, tổ chức đấu thầu phải đảm bảo đúng quy định, tránh sang thầu, bán thầu. Thứ ba, cấp nước thoát nước cần có những biện pháp căn cơ để đáp ứng đòi hỏi của dân. Thứ tư, nâng cao năng lực trình độ quản lý của ngành để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

 

Quy hoạch “treo”: Vì phải chờ từ quận đến... thủ tướng!

 

Trước khi Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Hòa trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nhắc lại câu nói của ông “xin đừng tấn công tôi bằng quy hoạch treo”. Nhưng bà Chủ tịch HĐND TP cũng không quên nhắc nhở: Vậy thì phải làm sao để hết treo, làm sao để quy hoạch đi trước một bước?

 

Ông Nguyễn Trọng Hòa nhấn mạnh: quy hoạch chung của thành phố đã làm xong và đang trình Chính phủ duyệt. Quy hoạch hẻm cũng đã được trình UBND TP, một vài ngày nữa TP sẽ duyệt, tình trạng “hẻm treo” sẽ được khắc phục.

 

Đại biểu Võ Văn Sen lên tiếng: “Đến nay mới có 3 quận, huyện được duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000, chúng tôi đã cảnh báo việc phân cấp vì quận huyện làm không nổi, Giám đốc có biết là quận huyện lại đi thuê các công ty làm quy hoạch không? Đâu là mặt sau của vấn đề này? Hậu quả của việc phân cấp là đã biến Sở QH-KT, Viện QH-KT thành một cơ quan góp ý mà lẽ ra phải là đơn vị trực tiếp tác chiến thi công, bởi vì góp ý chỉ có tác dụng… ngoài da”.

 

Đại biểu Phạm Văn Bạch tiếp ý: “Giám đốc cho biết hiện trên địa thành phố có bao nhiêu quy hoạch treo, dự án treo cần phải xóa? Người dân quận 12 nói khu vực được quy hoạch làm nhà ga Sài Gòn - Mỹ Tho đã treo 14 năm rồi, hỏi Sở GTCC thì bảo chưa biết quy mô và nói đây là của Sở QHKT”.

 

Giám đốc Nguyễn Trọng Hòa trả lời ngay: “Không phải của Sở QH-KT mà là của Bộ GTVT, không chỉ ở quận 12, mà ở quận 2 còn một nhà ga nữa. Chúng tôi hỏi Bộ GTVT, bộ bảo cứ để đấy vì phụ thuộc vào tư vấn nước ngoài. Đây là dự án quốc gia, mong đại biểu và bà con thông cảm. Và nhà ga xe lửa Bình Triệu cũng vậy, nằm trong dự án đường sắt quốc gia phải chờ Bộ GTVT”.

 

“Vậy chừng nào bộ trả lời?”- Chủ tịch HĐND TP “góp sức” cùng đại biểu. “Chắc chờ Thủ tướng” - ông Hòa nói.

 

Đại biểu Đặng Văn Khoa thẳng thắn hỏi về cốt xây dựng (cốt khống chế độ cao) của thành phố, 3 năm trước đã hỏi nó ở đâu, đến nay vẫn tìm chưa ra, “có phải sở thiếu quyết tâm, thiếu trách nhiệm trong việc này không?”. Giám đốc Hòa nói: “Chúng tôi xin mời anh Khoa đến Sở QH-KT để trình bày đầy đủ cặn kẽ cái cốt xây dựng. Vì vấn đề này có nhiều yếu tố kỹ thuật, nên hơi chậm trễ”!

 

Chủ tịch HĐND TP lưu ý Giám đốc Sở QH-KT: Quy hoạch làm chậm là mất thời cơ, không đi trước sẽ trả giá đắt, quy hoạch phải mang tính dự báo. Chúng ta phân cấp cho quận huyện, nhưng không để TP manh mún thành 24 mảnh khác nhau. Giám đốc Sở QH-KT chỉ đạo sát sao để sớm xóa quy hoạch treo, hẻm treo. Quy hoạch thì treo, nhưng không được treo quyền lợi của dân trong việc sửa chữa nhà cửa, sử dụng gấy tờ nhà…  

 

Cử tri “chết” vì... rác?

 

Đầu phiên họp buổi chiều, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cảnh báo: “TP đang có nguy cơ bị bệnh dịch!”. Bởi lẽ, thành phố mới có 6/15 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, và phải đến năm 2020 mới hoàn tất hệ thống xử lý ở các khu công nghiệp còn lại.  

 

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở bằng “vật chứng” - 1
 

Đại biểu Đặng Văn Khoa và bình nước thải bệnh viện

(Ảnh: VNN)

 

Như vậy, người dân thành phố phải chịu đựng ô nhiễm thêm 12 năm nữa. Cùng chung bức xúc, đại biểu Đặng Văn Khoa giơ cao cho các đại biểu thấy bình nước màu vàng, đặc sệt được lấy từ nước thải của một bệnh viện. “Xin thưa với các vị đại biểu, mỗi ngày, cả thành phố sẽ có 20.000 m3 nước không được xử lý như thế này của 70% bệnh viện thải ra cống. Thử hỏi, thứ nước độc hại ngấm xuống lòng đất sẽ thế nào đây?” - đại biểu Đặng Văn Khoa bức xúc.

 

Giám đốc Sở TN-MT Trần Thế Ngọc thừa nhận tình trạng ô nhiễm mỗi trường diễn ra ở nhiều nơi trong thành phố và nêu lên tiến độ di dời xí nghiệp xen cài trong khu dân cư, xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm… Về hệ thống nước thải y tế (phần lớn do Sở Y tế làm chủ đầu tư), ông Ngọc cho biết là hệ thống này chưa phù hợp và xuống cấp. Để khắc phục, cần phải có kinh phí 60 tỷ đồng.

 

Chủ tịch HĐDTP Phạm Phương Thảo nói: “Có cử tri gọi điện thoại nói thế này, họ không chết trong 2 cuộc kháng chiến, nhưng dễ chết vì… mùi hôi của bô rác”.

 

“Chạy trường là vấn đề… tế nhị”

 

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng mở đầu chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh: “Trách nhiệm của Sở GD-ĐT trong việc “chạy” trường vừa qua? Có phải Sở GD-ĐT thừa biết nhưng cố tình làm ngơ vì… những lý do nào đó? Hướng giải quyết của Sở GD-ĐT để giảm thiểu hoặc chấm dứt tình trạng này?”.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh khẳng định: “Chạy” trường tiêu cực là hiện tượng không thể chấp nhận tồn tại trong nhà trường, phải đấu tranh loại trừ triệt để ngay. Sau khi nhận được phản ánh “chạy” trường tiêu cực tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Sở GD-ĐT đã giải quyết rất kiên quyết, đình chỉ công tác đối với giáo viên vi phạm và cán bộ quản lý nhà trường, tiến hành thanh tra mức độ vi phạm để xử lý đúng mức…

 

Sở GD-ĐT không làm ngơ trước những tiêu cực, đồng thời đã đưa “chạy” trường thành một tiêu chí trong “5 không” của công cuộc đấu tranh trong tiêu cực hiện nay của ngành giáo dục-đào tạo thành phố.

 

Đại biểu Việt Dũng không khoan nhượng: “Tôi biết “chạy” trường là vấn đề… tế nhị nhưng tôi muốn hỏi Giám đốc Sở GD-ĐT là ông có cách nào để năm tới không còn xảy ra “chạy” trường? Bởi vì tất cả chúng ta đều biết cách tuyển sinh một số trường thời gian qua là không minh bạch. Thanh tra phải như thế nào để chấm dứt tình trạng này?”.

 

Ông Huỳnh Công Minh nói: Sở GD-ĐT đã tích cực tham mưu để lãnh đạo các cấp không ngừng đầu tư nâng cao cơ sở vật chất đồng đều giữa các trường, tham mưu để hoàn chỉnh quy chế tuyển sinh nhằm loại bỏ triệt để “chạy” trường tiêu cực.

 

Mặc dù Giám đốc Sở GD-ĐT đã cố gắng “không bỏ sót một câu nào” và “xin các đại biểu thông cảm” phải nói ngắn gọn vì không có thời gian nhưng đại biểu Nguyễn Việt Dũng vẫn không hài lòng phần ông trả lời chuyện “chạy” trường.

 

Về vấn đề trường quốc tê, ông Minh thừa nhận: khó khăn lớn nhất trong quản lý là các trường quốc tế đầu tư theo chương trình quốc tế. Đây là những trường do Bộ KH-ĐT cấp phép, nhân sự thì thuộc ngành LĐTB-XH quản lý, ngành giáo dục chỉ quản lý về chương trình “mà chương trình thì của người ta… nên đúng là mình không có cái gì để mà quản lý hết” - ông Minh nhấn mạnh.

 

“Khổ lắm giấy đỏ - giấy hồng”!

 

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng cho biết: Thành phố hiện còn 4.140 trường cần tái định cư và bảo đảm hết tháng 12/2006 sẽ giải quyết đủ số nền nhà theo yêu cầu và tháng 6/2007, hoàn thành tái định cư cho các họ dân tạm cư lâu dài.

 

Đại biểu Đặng Văn Khoa nói: “Có người dân chỉ dám xây nhà cấp 6, cấp 7, chứ đâu được cấp 4, nên rất bất bình khi thấy nhiều tài sản công bị phù phép thành tài sản riêng, như căn nhà 280 Lê Thánh Tôn”.

 

Sau khi nghe ông Dũng hứa sẽ xem xét, nghiên cứu một số địa chỉ nhà đất còn vướng mắc của các đại biểu đưa ra, đại biểu Võ Văn Sen chất vấn: “Tại sao giữa Sở Xây dựng và Sở TN-MT không phối hợp giảm bớt thủ tục làm sổ đỏ, sổ hồng cho người dân, sao không đưa về một sở làm cho thuận tiện?”.

 

Ông Dũng than thở: “Khổ lắm! Trung ương quy định sở tôi chỉ được phép cấp giấy hồng, còn Sở TN-MT cấp giấy đỏ, nay cử tri bảo tôi ôm luôn cho tiện, nếu có muốn, tôi cũng chả dám… ôm!”

 

Theo Tuấn Sơn, Trần Toàn, Thuỳ Phương

Sài Gòn Giải Phóng