1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại biểu bức xúc vì bãi rác tên gọi "rất oách" nhưng xử lý lạc hậu

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Khu liên hợp xử lý chất thải rắn nghe thì oách nhưng xử lý kiểu chôn lấp, công nghệ của những năm 1970-1980 của thế kỷ trước", đại biểu bức xúc.

Theo ông Nguyễn Công Văn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc, Nghệ An, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh - trong quá trình tiếp xúc cử tri, ông nhận được nhiều ý kiến phản ánh về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (huyện Nghi Lộc).

Khu xử lý rác này đang quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh khu vực. Nước thải từ khu xử lý rác đang "bức tử" kênh nhà Lê chảy qua địa bàn huyện.

Đại biểu bức xúc vì bãi rác tên gọi rất oách nhưng xử lý lạc hậu - 1

Ông Nguyễn Công Văn chuyển tải bức xúc, kiến nghị của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Ảnh: Hoàng Lam).

"Cử tri rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần mà chưa được xử lý. Khu liên hợp xử lý chất thải, nghe tên thì rất oách, rất kêu nhưng lại xử lý kiểu chôn lấp theo công nghệ những năm 1970-1980 của thế kỷ trước", ông Nguyễn Công Văn nói.

Đồng ý với ý kiến phản ánh của đại biểu Nguyễn Công Văn, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên là vấn đề nhức nhối, được cử tri quan tâm nhưng nhiều năm rồi chưa giải quyết được.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, được xây dựng theo công nghệ Đan Mạch, có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, trên diện tích 53ha. Năm 2012, dự án hoàn thành và được UBND tỉnh Nghệ An giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiếp nhận, vận hành.

Đây là nơi tiếp nhận, xử lý rác thải của thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị trấn Diễn Châu và huyện Nghi Lộc. Trung bình mỗi ngày, chỉ riêng địa bàn thành phố Vinh đã phát sinh 300 tấn chất thải rắn.

Đại biểu bức xúc vì bãi rác tên gọi rất oách nhưng xử lý lạc hậu - 2

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên đang vận hành theo hình thức chôn lấp (Ảnh: D.H).

Ông Phạm Văn Toàn, Phó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, cho biết Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên vận hành theo hình thức chôn lấp. Tại đây có 8 ô thì hiện 4 ô đã đầy rác, 2 ô chứa đang tiếp tục được chôn lấp.

"Xử lý nước thải rỉ từ các ô chứa ra ngoài môi trường rất khó và nan giải", ông Toàn nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, để giải quyết được vấn đề này cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Vinh và Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An yêu cầu Công ty CP môi trường và công trình đô thị Nghệ An chấp hành nghiêm đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Đại biểu bức xúc vì bãi rác tên gọi rất oách nhưng xử lý lạc hậu - 3

Ông Phạm Văn Toàn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An thông tin về hoạt động của Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Toàn cũng cho rằng, việc phân loại rác đầu nguồn đã được thực hiện nhưng chưa triệt để. Tình trạng phân loại rác xong "để nhèo một đống" đang diễn ra do chưa có nhà máy xử lý rác thải sau phân loại.

Về lâu dài, ông Toàn cho biết UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam thu hút dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ phù hợp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. 

Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII khai mạc sáng 5/7, hiện tỉnh Nghệ An còn 17 đô thị loại V ở các huyện, 5/6 khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung ngoài Khu kinh tế Đông Nam, 12/24 cụm công nghiệp, 182 làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị UBND tỉnh có kế hoạch, phương án thay thế Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên sau khi nơi này hoạt động hết công suất.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 15 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động, trong đó có 13 bãi chôn lấp chất thải rắn và 3 nhà máy xử lý chất thải rắn. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh phát sinh khoảng hơn 1.700 tấn/ngày. Trong đó, đô thị là trên 1.000 tấn, nông thôn trên 700 tấn/ngày.

Hiện nay, hầu hết các bãi chôn lấp đang trong tình trạng quá tải, lượng rác thải chưa được xử lý bị tồn đọng trong nhiều ngày, phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.