1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đặc sản kinh dị ở Nha Trang

Cá lạng xong được “rửa” dưới mép nước đen kịt, lều bều nội tạng đã trương phình, đưa lên xóc phèn chua, rửa lại lần nữa bằng loại nước này rồi tẩm gia vị. Đó là “quy trình sản xuất” của món khô cá tẩm đặc sản mà du khách đến Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn mua làm quà.

Trở về từ phố biển Nha Trang, hành trang của đại đa số du khách đều trĩu nặng những món đặc sản trong đó có khô cá tẩm. Có những loại trông “đẹp long lanh” mà rất rẻ, không ghi hạn sử dụng và nơi sản xuất.

 

Nơi mua bán khô cá tẩm sầm uất nhất ở Nha Trang có lẽ là chợ Đầm. Khô cá thu, cá chai, cá bò, cá mú, cá bống, cá đuối, cá thiều... được trưng bày trong những bọc giấy bóng kính trông rất bắt mắt. Mỗi gói chỉ 20.000 đồng. Phần lớn nhãn mác ngoài dòng chữ “Đặc sản khô cá thu, cá thiều, cá bò...” đều chẳng có thông tin gì thêm.

 

Một trong các “đại bản doanh” sản xuất khô cá tẩm nằm ở khu dân cư Hòn Rớ thuộc xã Phước Đồng. Lò chế biến nằm lộ thiên sát mép biển, nơi có nhiều phụ nữ, thanh niên, trẻ em đang mê mải lột da, lóc thịt cá nhám (còn gọi là cá mập) trên nền xi măng trong không khí tanh nồng. Họ giải thích, cá nhám có nhiều loại, loại đang được chế biến là nhám thường, thịt tanh, bở nên chẳng ai ăn, chỉ có thể làm khô đặc sản.

 

Cá lạng xong được đưa xuống mép nước biển đen kịt, lều bều hàng mớ cơ quan nội tạng cá trương phình để “rửa cho sạch máu, bớt tanh”. Xốc nước vài lần, một chị khệ nệ đổ rổ thịt cá rửa vào thau nhôm. Một thanh niên vốc phèn chua lia lịa cho vào rồi dùng đôi tay còn dính máu cá, lúc này đã khô đen lại, xóc trộn đều để khử mùi tanh. Chờ một lát, anh thanh niên lại ôm thau cá xuống trụng trong làn nước tanh tưởi kia lần nữa để “rửa sạch”.

 

Sau đó, họ lại cho bột ngọt, bột ớt khô, phẩm màu và hàn the vào trộn đều, rồi tống vào máy xay nhuyễn. Cuối cùng, người ta vốc từng nhúm bột cá cho vào khuôn tạo dáng rồi trải lên những tấm phên bằng tre cũng vừa được vớt lên từ dòng nước tanh tưởi. Một phụ nữ luống tuổi bật mí: “Sau khi phơi vài nắng sẽ vào bao, dán nhãn đem bán cho khách du lịch. Họ kết món này lắm!”.

 

Người dân ở đây cho biết, khô cá thu thì phải mềm; cá thiều phải dai, vị hơi ngọt; cá chai phải là vừa dai vừa cay xé họng. Tuy nhiên, tất cả các loại đặc sản này đều được chế biến từ thứ nguyên liệu hỗn tạp kể trên. Bí quyết là: Để sản xuất khô cá thiều, thêm nhiều hàn the để tạo độ dai, thêm đường và mì chính cho ngọt. Muốn có cá chai thì thêm ớt cho cay... Màu sắc, đường vân cá lại càng dễ tạo, chẳng hạn muốn có màu đen đen, đo đỏ thì lấy lòng cá hố trộn vào.

 

Có một điều kỳ lạ là trong giai đoạn lóc thịt, đám cá bị ruồi nhặng bâu đầy; nhưng đến đoạn tẩm phèn chua rồi hàn the thì tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng chú ruồi nào. Một chị giải thích: “Chắc tụi nó ngán mùi nên hổng dám đến... dự tiệc”.

 

Hằng ngày, du khách vẫn nườp nượp kéo đến chợ Xóm Mới, chợ Đầm và nhiều điểm du lịch khác hoan hỉ mua đặc sản khô cá tẩm giá rẻ về làm quà. Nhưng nếu nhìn thấy quy trình sản xuất kinh dị kia, có cho không chắc cũng chẳng ai dám lấy.

 

Theo Thanh Niên