1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đặc công Việt Nam "xuất quỷ nhập thần"

Ra đời trong kháng chiến chống Mỹ nhưng lực lượng Đặc công Việt Nam "phôi thai" từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 19/3/1967, Binh chủng Đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam mới thành lập nhưng danh từ "đặc công" thì đã ra đời từ trước đó 17 năm, gắn với một chiến thuật mới của quân ta để đối phó với hệ thống lô cốt kiên cố của Pháp.

Sáng kiến lô cốt, tháp canh

Sau thất bại ở Việt Bắc, Pháp thấy không thể giải quyết chiến tranh bằng một vài cuộc hành quân lớn. Chúng liền chuyển sang siết chặt những vùng đã chiếm được bằng một hệ thống đồn bốt để thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt".

Với chiến lược mới, quân Pháp chia lực lượng thành hai bộ phận gồm: một phần gồm các đội ứng chiến nhỏ và phần lớn hơn rải ra đóng giữ đồn bốt trên các trục đường giao thông, xung quanh đô thị và các địa bàn quan trọng.

Đội ứng chiến nhỏ là lực lượng cơ động vừa để tấn công bộ đội và đánh phá cơ quan, kho tàng của ta và vừa để ứng cứu các đồn bốt khi bị ta tiến công. Các đồn bốt, tháp canh dùng để bảo vệ vùng trọng yếu, chia cắt, ngăn chặn ta từ xa và là chỗ dựa cho bọn hội tề, gián điệp hoạt động chống phá ta. Đến năm 1948, quân Pháp đã xây dựng xong hàng ngàn cứ điểm, đồn bốt, tháp canh trên chiến trường cả nước.

Một lô cốt ở đê sông Đuống do quân Pháp xây dựng để kiểm soát giao thông.

Một lô cốt ở đê sông Đuống do quân Pháp xây dựng để kiểm soát giao thông.


Ở Nam Bộ, thực dân Pháp tăng quân, xây dựng hệ thống tháp canh “Đờ La-tua" xung quanh các thị xã, thành phố và trên các trục đường giao thông quan trọng. Tháp canh Đờ La-tua là một loại công sự vững chắc, cao từ 7-12m, xây bằng gạch, đá, súng bộ binh thông thường không bắn thủng. Ở trên cao, ban ngày địch quan sát được rất rộng và xa.

Thủ đoạn mới của địch đã gây khó khăn rất lớn cho bộ đội ta. Trong thời gian này, trang bị của quân đội ta vẫn còn chủ yếu là giáo mác.

Hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn viết rằng, đến những năm 1949 mà quân ta khi công đồn vẫn còn dùng dao để chặt tre, phá rào. Với tình trạng trang bị như vậy, bài toán đánh địch trong lô cốt là một thách thức rất lớn đòi hỏi ta phải giải quyết để đưa kháng chiến tiến lên.

FT và manh nha một lối đánh mới

Không chịu bó tay trước thủ đoạn của địch, quân ta đã tích cực nghiên cứu và thử nghiệm các chiến thuật mới để đánh địch trong lô cốt. Ngày 19/3/1948, trong trận đánh tháp canh Cầu Bà Kiên, lần đầu tiên du kích Nam Bộ đã diệt gọn địch.

Để thực hiện trận đánh, 3 chiến sĩ cởi trần, bôi lên người một lớp màu giống với màu địa hình khu vực quanh tháp canh, vượt qua các vật chướng ngại, bí mật đến sát tháp canh. Lợi dụng lúc địch thay gác, ba chiến sĩ nhanh chóng dùng thang leo lên ngang lỗ bắn, ném 8 quả lựu đạn vào trong, diệt toàn bộ 10 tên địch, thu 8 khẩu súng và 20 quả lựu đạn, bí mật rời khỏi trận địa về căn cứ an toàn.

Trận đánh mới chỉ thành công một nửa vì chưa phá hủy được tháp canh do không có vũ khí đủ sức phá. Sau trận này, các xưởng quân giới Nam Bộ tích cực nghiên cứu chế tạo vũ khí có sức công phá lớn để phá được tháp canh. 

 Một công binh xưởng của quân ta năm 1950.

 Một công binh xưởng của quân ta năm 1950.


Vụ Quân giới Khu 7 đề xuất phương án cải tiến mìn lõm Ba-dô-min để đánh tháp canh. Sau một thời gian nghiên cứu, loại mìn mới đã được chế thử thành công. Các thành phần gồm thuốc nổ lấy từ bom và đạn pháo không nổ của địch.

Vì không có kíp nổ điện, ta có sáng kiến dùng một bóng đèn pin mài thủng vỏ, bỏ thuốc cháy vào trong, dùng giấy mỏng bịt lại, gắn dây điện vào hai cực dây tóc đèn. Khi đấu điện vào hai đầu dây, dây tóc cháy đỏ bén vào thuốc làm cháy thuốc, gây nổ mìn. 

Cuối tháng 11/1949, ta đem mìn này đánh thử, phá được bức tường dày 0,8m. Vũ khí mới được đặt tên là phá tường, viết tắt là FT. Sau thử nghiệm thành công, rất khẩn trương, hàng trăm quả FT được các xưởng quân giới sản xuất.

Để làm quen với vũ khí mới, Tỉnh đội Biên Hoà, huyện đội Tân Uyên và Ban chỉ huy Liên Trung đoàn 301-310 điều động 300 bộ đội và du kích ưu tú về Chiến khu Đ để luyện tập đánh tháp canh bằng FT. Lớp học được chia làm 50 tổ, tập luyện gần 3 tháng tại Suối Đá trong khu rừng Tân Hoà.

Đêm 21 rạng ngày 22/3/1950, trên chiến trường Biên Hoà, 50 tổ chiến đấu đồng loạt sử dụng FT đánh vào 50 tháp canh dọc theo các trục lộ 15, 16 và quốc lộ 1.

Sách Lịch sử bộ đội đặc công Việt Nam viết: “Tất cả các tháp canh bị đánh bằng FT đều bị thủng một lỗ có đường kính từ 0,8 đến 1,5m song không có tháp canh nào bị sập. Bọn lính trong 50 tháp canh đều bị chết nhưng những tên lính gác trên nóc vẫn còn sống và dùng súng trường, lựu đạn đối phó lại ta.

Tình huống này không được dự kiến trước. Các tổ chiến đấu đều bị bất ngờ, lúng túng nhưng đều an toàn trở về căn cứ. Quân địch vô cùng hoang mang lo sợ. Bọn địch ở những tháp canh gần đó hốt hoảng chạy về thị xã Biên Hoà… Báo chí của địch hốt hoảng đưa tin về một loại vũ khí mới của Việt Minh đánh sập tháp canh, làm rạn nứt thủ đoạn quân sự của tướng Pháp Đờ La-tua”.

“Đặc Công” ra đời

Từ trận đánh đồng loạt 50 tháp canh, tỉnh đội Biên Hoà và Phòng Tham mưu Khu 7 tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm. Hội nghị nhất trí gọi cách đánh đặc biệt này là “công đồn đặc biệt” gọi tắt là “đặc công”, danh từ đặc công chính thức ra đời từ đó. 

Cùng với lực  lượng “công đồn đặc biệt”, từ năm 1946 các Ban công tác thành ở Sài Gòn đã được tướng Nguyễn Bình thành lập để thu thập tin tức và quấy rối phá hoại hậu phương địch.

Tháng 3/1948, 6 chiến sĩ trong Ban công tác số 3 đột nhập vào kho bom của Pháp ở Ngã tư Bảy Hiền đặt mìn có ngòi nổ hẹn giờ, làm nổ 300 quả.

Ngày 2/4/1948, 4 chiến sĩ trong Đội Minh Khai do Mạc Thị Lan chỉ huy đánh vào rạp chiếu bóng Ma-giét-tích bằng lựu đạn, diệt và làm bị thương 30 sĩ quan Pháp. Những trận đánh này đã đặt truyền thống cho lực lượng Biệt động Sài Gòn lừng danh sau này.

 Một lô cốt kiêm tháp canh do quân Pháp xây ở thị trấn Phùng – Đan Phượng – Hà Nội.

 Một lô cốt kiêm tháp canh do quân Pháp xây ở thị trấn Phùng – Đan Phượng – Hà Nội.

Trên sông nước, cuối 1948, đơn vị công binh thủy 21 của Khu 7 và Đội biệt động Dương Văn Dương ở Sài Gòn đã cải tiến thủy lôi 250 kg, ngòi nổ tự động thành ngòi nổ chậm điều khiển nổ bằng nguồn pin và đánh chìm chiếc tàu chở đạn Xe-luýt-blơ của Pháp trên sông Sài Gòn, phá hủy 400 tấn đạn.

Đầu năm 1950, biệt động Hải Phòng tập kích cảng Hải Phòng, đánh chìm chiếc tàu hãng Pha-nếch của Pháp. Những trận đánh này mở đầu cho truyền thống của lực lượng đặc công nước. 

Như vậy trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng Đặc công đã dần hình thành với 3 bộ phận: Biệt động, Đặc công bộ, Đặc công nước. Bước vào kháng chiến chống Mỹ, Đặc công phát triển nhanh chóng và đã đánh nhiều trận táo bạo vào hang ổ, đầu não của địch gây tiếng vang ra cả thế giới, trở thành một nỗi ám ảnh thường xuyên của Mỹ - Ngụy.
Theo Vũ Tiến Đức
Kiến thức