1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TP.HCM

Đặc công rừng Sác và những chiến công bất hủ

(Dân trí) - Với lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, các chiến sỹ đặc công rừng Sác không hề nao núng trước những trận “mưa bom, bão đạn” mà kẻ địch dội xuống để từ đó những chiến công vang dội được lưu danh sử sách.

Đặc công rừng Sác và những chiến công bất hủ - 1
Đại tá Lê Bá Ước nhớ lại những giây phút hào hùng của các trận đánh

Khi đất nước đang hân hoan chào đón ngày thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp gặp gỡ và giao lưu cùng Đội đặc công rừng Sác (huyện Cần Giờ). Những người lính anh hùng ngày nào giờ đã bước vào cái tuổi ngoài tám mươi nhưng khi kể về những trận đánh quyết tử với kẻ thù thì họ như trẻ lại để sống với những giây phút hào hùng đã đi vào lịch sử.

Đại tá Lê Bá Ước - Trung Đoàn trưởng, Đoàn 10, Trung đoàn 10 bộ đội đặc công Rừng Sác, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn dõng dạc khi nhớ về địa bàn rừng Sác, một chiến trường đặc biệt với sông nước mênh mông, biển Cần Giờ rộng lớn. Nếu căn cứ địa đạo Củ Chi được ví như căn cứ “nổi” thì rừng Sác được mệnh danh là căn cứ “chìm” tiêu diệt biết bao quân thù.

Đoàn đặc công rừng Sác được thành lập vào ngày 15/4/1966 với những thành viên ưu tú được đào tạo bài bản về cách sử dụng, “hóa giải” bom mìn. Đặc biệt, những người lính đặc công rừng Sác thời đó ngoài tài thao lược về võ thuật đánh trận thì họ được mệnh danh là “bậc thầy” về các loại chất nổ, bộc phá. Tất cả ở họ toát ra sự mưu trí, kiên cường.

“Lính đặc công thường hoạt động ban đêm nên cần phải có sức khỏe, tinh thần, tư tưởng. Có lòng kiên định, gan dạ, xác định vững lập trường, trên thao trường có thể đổ mồ hôi nhưng trong chiến trường là phải đổ máu. Về kĩ năng kĩ thuật thì những động tác nằm, đi nhón chân, bơi dưới nước đều không được phép phát ra tiếng động để địch không thể phát hiện ra”. Thượng tá Trần Công Soạn - Nguyên Phó Trung đoàn 10 bộ đội đặc công Rừng Sác chia sẻ.

Thượng tá Soạn nhớ lại những trận đánh oai hùng, những chiến công lẫy lừng của sư đoàn đặc công rừng Sác. Đoàn đặc công chính là đơn vị có nhiệm vụ hạn chế tàu của địch, đưa nguyên vật liệu vào bến cảng để cung cấp cho chiến trường miền Nam. Cụ thể, 23/8/1966 Đoàn đặc công đánh chìm tàu, thủy lôi của địch. Trên tàu lúc bấy giờ chứa nhiều máy bay, xe tăng, thuốc nổ. Đến năm 1972, Đoàn đặc công tiếp tục tấn công vào kho bom loại 7 tấn, đây được xem là loại bom có sức công phá mạnh nhất nhằm hạn chế sự tàn phá của địch đối với nhân dân. Hay trận đánh tập kích vào kho xăng Nhà Bè…

Vô số các chiến công khác được Đoàn đặc công rừng Sác thực hiện. Bên cạnh những thành công ấy biết bao xương máu đổ xuống cho ngày độc lập. Từ năm 1966 đến 30/4/1975, bộ đội đặc công Rừng Sác đánh gần 400 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch; đánh chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 giang thuyền; bắn rơi 29 máy bay trực thăng…

Khu căn cứ rừng Sác với sự “ngự trị” của Đoàn đặc công đã trở thành “tử địa” với kẻ thù. Không chỉ đối mặt với giặc, các chiến sĩ đặc công còn phải đối mặt với cơn ác mộng “thủy quái” dưới nước, loại cá Sấu Ông Kèo, 1 loại động ăn thịt người luôn rình rập bất cứ ai.

Đặc công rừng Sác và những chiến công bất hủ - 2
Dù bước vào tuổi 82 nhưng Đại tá Ước vẫn như trẻ lại khi nhớ về những trận đánh năm xưa

Lật lại những trang kí ức, Đại tá Lê Bá Ước kể, trong 1 lần hành quân, đồng chí Hoàng Dương (một lính đặc công trong nhóm - PV) bị té xuống sông, cá sấu ngoạm lấy cánh tay phải, dù chỉ còn lại cánh tay trái, đồng chí ấy cố lấy con dao găm dắt bên hông đâm vào mắt của cá sấu tìm đường thoát thân. “Ngay sau đó, anh Dương này được các đồng đội đưa đi cấp cứu với vết hằn sâu của hàm răng cá sâu trên tay” - Đại tá Ước kể lại.

Theo Đại tá Ước, trong số các chiến sỹ của sư đoàn đặc công rừng Sác năm xưa, có không ít người đi tiếp trên con đường bảo vệ đất nước cho đến ngày thống nhất đất nước, cũng có rất nhiều chiến sỹ chuyển công việc, phục vụ Tổ Quốc trên một cương vị mới.

“Niềm sung sướng nhất của chúng tôi là vẫn được chung tay cùng con cháu xây dựng xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, thiết thực góp phần tăng cường hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu hết mình vì mục tiêu” - Đại tá Lê Bá Ước khẳng định.

Trung Kiên - Trung Dũng