1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Đặc biệt lưu ý việc tiêu thoát lũ, xói lở bờ sông, ven biển

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn khi tính toán về tiêu thoát lũ, xói lở cho các dự án ven sông, ven biển phải nghiêm túc, mang tính khoa học.

Mới đây, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020-2025, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đặc biệt lưu ý tới vấn đề tiêu thoát lũ, xói lở bờ sông, bờ biển.

Ông Hiệp đề nghị, đối với các dự án xây dựng trên khu vực ven sông, ven biển, các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn khi tính toán về vấn đề tiêu thoát lũ, xói lở phải thực hiện nghiêm túc và mang tính khoa học.

"Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, các cơ quan chuyên môn khi tính toán về tiêu thoát lũ, xói lở phải tính cho sát, mang tính khoa học. Nếu không thực hiện tốt vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ, ảnh hưởng đến độ an toàn của các tuyến đê sông, đê biển. Bộ NN&PTNT sẽ rất quan tâm đến vấn đề này, nếu tính toán không chuẩn, Bộ sẽ yêu cầu làm lại", ông Hiệp lưu ý.

Đặc biệt lưu ý việc tiêu thoát lũ, xói lở bờ sông, ven biển - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: "Tính toán về tiêu thoát lũ, xói lở phải nghiêm túc, mang tính khoa học".

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2020 do Tổng cục phòng chống thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức, ông Hiệp thông tin: Hiện nay trên cả nước có 230 điểm xung yếu có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn bất cứ lúc nào. Các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng.

Hiện còn khoảng 7.100 vụ vi phạm đê điều chưa được xử lý. Con số vi phạm đê điều không giảm đi mà ngày càng tăng lên và nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, đê điều ở hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng mặc dù được tu bổ hàng năm nhưng sau thời gian dài chưa có điều kiện thử sức với lũ lớn. Đây là điều các địa phương cần phải đặc biệt lưu ý.

Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tác động sâu, rộng tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, thiên tai trên thế giới tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt như lũ và lở đất ở Brasil, vỡ đập ở bang Michigan – Mỹ, động đất ở Puerto Rico, siêu bão Amphan đổ bộ vào Ấn Độ và Bangladesh, bão Vongfong đổ bộ vào Philipines, lũ lụt nghiêm trọng ở 26 tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc… gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trong nước, từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy 16 loại hình thiên tai, trong đó: 186 trận giông, lốc, mưa lớn, trên 43 tỉnh, thành phố, trong đó tình hình mưa đá và giông lốc đặc biệt bất thường, kéo dài và trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 1 cơn bão trên biển Đông; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL, miền núi phía Bắc bắt đầu có mưa lũ cục bộ; sự cố đập Bara Đô Lương Nghệ An; sự cố một số tuyến kè, đê thuộc hệ thống đê từ cấp III trở lên… Thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng.

Ông Sơn kiến nghị, trước tình hình diễn biến mưa lũ của Trung Quốc, cũng như thực tế các công trình phòng chống thiên tai của Việt Nam hiện nay và để đảm bảo khả năng ứng phó của Việt Nam khi có tình huống tương tự, Tổng cục đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ tổ chức cuộc họp đề ra các biện pháp ứng phó.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm