Đã xác định được nguyên nhân gây ra "hố tử thần" ở Hà Nội
(Dân trí) - Qua quá trình khảo sát địa chất, quan trắc..., Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã có đánh giá sơ bộ ban đầu về nguyên nhân gây ra "hố tử thần" ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Tối ngày 13/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, hiện UBND huyện Chương Mỹ đã bước đầu đưa ra đánh giá về nguyên nhân và đề xuất phương án khắc phục đối với "hố tử thần", xuất hiện tại xã Quảng Bị.
Cụ thể, theo kết quả do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khảo sát, dọc tuyến đường và tuyến ngang đường, địa chất khu vực xảy ra sự cố biến đổi phức tạp. Địa chất có những biến đổi dị thường như xen kẹt lớp bùn bồi tích, túi bùn, túi khí, hang caster…
"Đánh giá sơ bộ về nguyên nhân sụt lún cho thấy, theo kết quả đo địa vật lý ngày 10/4, cùng với hiện trạng công trình, quan trắc bằng mắt thường từ 7/4 tới nay cho thấy, hố sụt lún tạo ra do khoan vào túi khí, làm bục thành, tạo ra hố sụt", ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, tuy Viện Khoa học Thủy lợi đã đưa ra phương án, nhưng về chuyên môn vẫn phải do Hội đồng thẩm định thông qua, sau đó huyện sẽ báo cáo các sở, ngành và xin chỉ đạo của thành phố trước khi triển khai.
Phương hướng khắc phục
Từ nguyên nhân nói trên, phương án đề xuất khắc phục của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam gồm 6 bước gồm: Dọn dẹp mặt bằng khu sụt lún; lấp đầy hố bằng những vật liệu phù hợp, dự kiến lớp dưới cùng bằng đá hộc dày 1m, tiếp đến là lớp base dày 1m và trên nữa là cát lèn chặt lấp đầy; khoan tạo lỗ để phụt vữa xi măng - bentoniter (hàm lượng 200kg xi măng + 50kg bentoniter), để lấp đầy các lỗ rỗng xung quanh khu vực sụt lún, cứng hóa khu vực sụt lún; trải vải địa kỹ thuật gia cố 2 lớp tăng cường phía trên vật liệu, lấp đầy hố sụt lún.
Tiếp đó, hoàn thành rãnh nước và các lớp mặt đường như ban đầu; tiến hành thử tải và quan trắc sau khi xử lý.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, vào khoảng 16h45 cùng ngày, gia đình ông Đặng Đình Nhâm, ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, đào giếng. Trong lúc đào giếng, ông Nhâm bất ngờ nghe thấy tiếng rung lắc mạnh. Sau đó, trước cửa nhà ông Nhâm xuất hiện một hố sâu khoảng 2m, rộng 15m2 và khu vực này bắt đầu sụt lún xuống độ sâu 5m, hiện tại đã rộng khoảng hơn 100m2.
20 hộ dân sống tại khu vực bị sụt lún được di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn.