Đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương
(Dân trí) - Đánh giá việc ngân sách tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ xây dựng các cơ chế thực hiện sau khi được Trung ương thông qua.
Sáng 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Tại hội nghị, trên cơ sở kết quả 9 tháng qua và dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Về nội dung này, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023.
Cũng tại phiên họp, báo cáo đánh giá cho thấy những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, ngân sách vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.
Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua.
Cần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với các báo cáo và ý kiến tại phiên họp, ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản đạt được, Thủ tướng dành thời gian phân tích về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức nổi lên, nguyên nhân của kết quả đạt được, của hạn chế, yếu kém và các bài học kinh nghiệm.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP chưa được như mong muốn. Lạm phát còn chịu nhiều sức ép. Các động lực tăng trưởng gặp khó khăn, như công nghiệp phục hồi chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng chỉ tăng 1,65%.
Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, nắng nóng El Nino, hạn hán, sạt lở đất diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ, nhất là tội phạm mạng, ma túy, bán hàng đa cấp, tín dụng đen; diện tích rừng bị chặt phá, bị cháy tăng mạnh...
Lưu ý một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ cần nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành, các địa phương.
Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát thực hiện; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, giải pháp điều hành.
Các bộ, ngành liên quan cũng cần chú trọng bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất; tăng trưởng và lạm phát; cung và cầu; chính sách tiền tệ và tài khóa; tình hình bên trong và bên ngoài.
Đồng thời, bảo vệ, phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và xử lý nghiêm trường hợp né tránh sợ trách nhiệm, không dám làm.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành liên quan điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ.
Để thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác công tư (PPP), thu hút FDI có chọn lọc, nhất là những ngành mới nổi, công nghệ cao… Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cho hạ tầng, đào tạo nhân lực và cải cách thủ tục hành chính để chuẩn bị đón các dự án FDI mới.
Về xuất khẩu, cần giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latin); nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới; tận dụng cơ hội các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; kiên quyết không để tình trạng dàn trải, kém hiệu quả.
Các bộ, ngành cũng cần tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Trong đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo để trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp cần tập trung rà soát, chuẩn bị kỹ nội dung, hoàn thiện các báo cáo, tờ trình Hội nghị Trung ương và Kỳ họp Quốc hội sắp tới, bảo đảm chất lượng, tiến độ.