Đã thông các tuyến quốc lộ bị hư hỏng do mưa lũ
(Dân trí) - Ngày 20/11, trao đổi với PV Dân trí, Phó Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ 5 - ông Phan Thái - cho biết, đến ngày 19/11, các tuyến quốc lộ trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đã hoàn thành việc sửa chữa và thông tuyến.
Theo Khu quản lý đường bộ 5, cơn bão số 15 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to kết hợp với việc xả lũ các hồ chứa thủy điện đã làm ngập lụt nhiều đoạn trên quốc lộ 1 và 19, đường Hồ Chí Minh gây ách tắc giao thông hoàn toàn.
Theo thống kê, trên tuyến QL1A từ Quảng Nam vào Bình Định có khoảng 30 điểm ngập sâu từ 0,2-1m và có đoạn kéo dài hàng trăm mét gây cản trở giao thông.
Cầu Kênh (Quảng Ngãi) bị lũ gây xói lở hàm ếch ở cải hai đầu cầu phía Nam và Bắc ăn vào đến 1/2 mặt đường dài từ 2,5-9m và sâu 3m. Cầu Bình Định (Bình Định) xói lở đứt đường đầu cầu phía Nam dài 25m, đường đầu cầu phía Bắc bị xói lở gây ách tắc giao thông từ 2h ngày 16/11 đến 22h ngày 17/11.
Theo ông Bùi An Hải - Phó Giám đốc Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, mưa lũ cũng làm đường QL1A qua Quảng Nam bị bong tróc tổng cộng 105m2 mặt đường; ổ gà xuất hiện trên mặt đường và mặt cầu với tổng diện tích 290m2.
Trên đoạn đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Nam - Kon Tum có gần 20 điểm sạt lở ta luy dương, có đoạn sụt trượt dài đến 70m gây ách tắc giao thông trên toàn tuyến. Tuyến đường này cũng có khoảng 150m2 mặt đường bị lún do mưa lớn.
Trên tuyến QL19 nối Bình Định và Gia Lai cũng có đến 14 điểm ngập nước và sạt lở nặng gây tê liệt giao thông nhiều giờ liền. Đặc biệt trên đèo An Khê tại km61+67 bị sụt lở hết 1/2 mặt đường với khối lượng khoảng 1.000m3 đất đá. Ta luy âm đèo An Khê tại km65+600 cũng bị sụt trượt rộng 2m, sâu 30cm và kéo dài 65m.
Trên tuyến QL14G nối TP Đà Nẵng và huyện Đông Giang (Quảng Nam) cũng bị sạt lở ta luy dương với khối lượng 4.000m3 đất đá. Tại km24+900 toàn bộ kè rọ đá cũ đã bị cuốn trôi do sạt lở ta luy âm.
Phó Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ 5 - ông Phan Thái - cho biết, sau khi mưa lũ kết thúc, Khu đã khẩn trương chỉ đạo các công ty thành viên phối hợp với thanh tra giao thông, CSGT để cắm biển báo phân luồng tạm thời và trực gác tại các điểm xung yếu để hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời điều động nhân lực, xe máy, vật tư khẩn trương khắc phục các vị trí hư hỏng, sạt lở để thông xe tạm. Đến ngày 19/11, tất cả các tuyến giao thông trên địa bàn, kể cả cầu Bình Định đã được thông tuyến.
Hiện nay, các đơn vị tiếp tục gia cố các điểm bị sụt lở nặng để đảm mặt bằng êm thuận cho các phương tiện lưu thông an toàn. Phương án khắc phục bước 2 cũng đã được tiếp tục xử lý để trả lại nguyên trạng vị trí ban đầu.
“Hiện Khu quản lý đường bộ 5 đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý trên địa bàn khắc phục mặt đường sình lún, ổ gà, khơi thông rãnh thoát nước… để đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện”, ông Phan Thái cho biết.
Theo báo cáo của các đơn vị quản lý và xây dựng đường bộ thuộc Khu quản lý đường bộ 5, tổng thiệt hại trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 15 ước tính từ 20-25 tỉ đồng.
Công Bính