1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đã phát hiện cán bộ kê “gian” tài sản

(Dân trí) - Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết đã từng phát hiện cán bộ gian dối trong kê khai tài sản. Theo ông Lượng, do khâu quản lý tài sản của ta chưa tốt nên việc kê khai nêu cao nguyên tắc tự giác và tự chịu trách nhiệm.

Trong cuộc họp báo công tác thanh tra quý III/2009 diễn ra sáng 18/11, phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhận định: “Công khai tài sản về thu nhập, theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng thì tài sản thuộc hồ sơ cá nhân, là bí mật nhà nước. Hồ sơ cán bộ được quản lý theo quy chế tài liệu mật. Tuy nhiên tại nghị quyết TW 3 khóa X có định hướng là từng bước công khai. Đối với đảng viên là công khai tại chi bộ, công khai ở cấp ủy mà cán bộ là cấp ủy viên.
 
Thứ 2, Luật phòng chống tham nhũng có đề cập tới việc công khai kết quả xác minh kê khai tài sản. Nội dung công khai, thời điểm công khai, địa điểm, thẩm quyền cho phép công khai trong Nghị định 37 quy định rất rõ. Ví dụ như cán bộ nằm trong diện được đề bạt, kết luận về công khai tài sản công khai ở tổ chức đó. Đối với các đại biểu dân cử như quốc hội, HĐND các cấp thì niêm yết kết luận công khai tài sản tại nơi mà cử tri bỏ phiếu. Qua thống kê hiện nay, đối tượng được xác minh công khai kê khai tài sản, tỷ lệ chưa nhiều. Cơ bản là vẫn tôn trọng tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của người kê khai”.

Thanh tra Chính phủ đánh giá thế nào về tính trung thực trong việc thực hiện kê khai tài sản trong thời gian qua, thưa ông?

Tỷ lệ xác minh tính trung thực trong kê khai của ta còn ít, chủ yếu xác minh phục vụ cho việc bổ nhiệm, đề bạt hoặc những trường hợp có đơn thư tố cáo.

Hiện ta chưa thống kê được số người trong diện phải kê khai. Mặc dù trong Luật đã khoanh vùng đối tượng phải kê khai nhưng hiện nay, việc quản lý và phân cấp quản lý rất khác nhau. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Nội vụ để chốt lại danh sách này.

Theo báo cáo của các Bộ, cơ bản đã đảm bảo kê khai theo số đảm bảo kê khai khoảng 80%. Nhiều cơ quan thực hiện kê khai 100%. Ước tính số lượng đã kê khai đạt trên 80% so với số phải kê khai.

Số lượng phải kê khai cũng biến động theo từng thời điểm. Ví dụ, công chức A chưa phải kê khai nhưng mai được đề bạt lên vị trí phó phòng thì lại thuộc diện cán bộ phải kê khai. Hay hôm nay công chức B thực hiện công tác tiếp xúc với cơ quan tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp là phải kê khai. Nhưng ngày mai, người này luân chuyển công tác khác thì trở thành đối tượng không phải kê khai.

Thưa ông, trong quá trình thanh tra hoạt động, đã phát hiện trường hợp cán bộ khai gian dối?

Đã phát hiện rồi. Trong báo cáo trình Quốc hội, Thanh tra Chính phủ nói rõ đã xác minh, xử lý cụ thể số cán bộ khai không trung thực. Kết quả thanh tra một dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện một giám đốc Sở thực hiện kê khai không chính xác. Cán bộ này có trách nhiệm trong việc tham gia vào xây dựng thực hiện dự án kể trên.

Cụ thể trường hợp này ra sao thưa ông?

Dấu hiệu là thế này, bản thân cán bộ đó có đề xuất thay đổi mục đích sử dụng một ô đất từ công viên cây xanh sang làm nhà để bán. Thứ nữa, gia đình cán bộ này có đăng ký mua một ngôi nhà ở ô đất chuyển đổi mục đích sử dụng này. Có cái rích rắc là người đứng tên căn nhà là con gái ông ấy, đoàn thanh tra đã xác định người trả tiền là mẹ (vợ ông Giám đốc Sở trên - PV). Hiện đang xác định nhà đó là thuộc diện cho con hay là bản thân cá nhân cán bộ đó. Qua thực tế này cũng phải tính đến điều chỉnh trong cơ chế chính sách.

Qua báo cáo Thanh tra Chính phủ mà trực tiếp là Tổng thanh tra Chính phủ, hiện đang giao cho tỉnh làm rõ trách nhiệm cá nhân này, xem xét đề xuất hình thức xử lý và báo cáo Chính phủ.

Vậy “ngôi nhà đứng tên con gái” trên có thuộc diện phải kê khai không thưa ông?

Đó là tài sản phải kê khai. Trong bản kê khai của cán bộ giám đốc Sở kể trên thì không có căn nhà vừa nói. Thanh tra đã lưu ý rằng việc đó là thiếu trung thực.

Có đồng chí tổng giám đốc kê khai có 4 căn nhà nhưng chỉ 1 căn nhà mang tên anh ấy, còn lại là mang tên mẹ, em ruột, một người thân khác. Cán bộ chức danh giám đốc Sở thì phải hiểu, phải biết; nếu không biết thì phải hỏi.

Trong quản lý của ta từ cái xe máy đến nhà ở, tài sản có thể mang tên người B nhưng đích thực lại của người A bởi vì khâu quản lý tài sản của ta chưa tốt. Do đó, trong nguyên tắc kê khai mới nêu cao nguyên tắc tự giác và tự chịu trách nhiệm.

Thời gian qua có một số ý kiến lo ngại về việc khó kiểm soát tài khoản tại ngân hàng nước ngoài?

Việc quản lý tài sản ở nước ngoài còn liên quan đến luật pháp nước sở tại, nhất là pháp luật về ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế là các nước vẫn muốn có sự hợp tác về lĩnh vực này.

Ví dụ như Mỹ từng yêu cầu ngân hàng tại Thụy Sĩ công khai số dư tài khoản của một nhân vật. Thời gian đầu rất khó tiếp cận nhưng dần dần bằng hợp tác, quan hệ cũng có được sự hợp tác.

Kê khai và báo cáo tài sản tại nước ngoài, nếu có, là 1 trong 9 nội dung bắt buộc, bất kể số dư tài khoản là bao nhiêu. Đây là yếu tố cần được kiểm soát. Ta chưa nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này nhưng các nước làm được thì tôi tin chúng ta cũng sẽ kiểm soát được.

Việc kiểm soát dựa quan hệ hợp tác với các nước, trên nguyên tắc có đi có lại, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Với nguyên tắc như thế ta sẽ kiểm soát được.
 

Phó tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho rằng, đại hội Đảng có thể lấy kết quả thanh tra làm cơ sở, căn cứ trong việc chọn lựa nhân sự vào bộ máy lãnh đạo các cấp. Do đó, thanh tra phải đảm bảo khách quan, chặt chẽ, kết luận rõ ràng. Ông Mai Quốc Bình nhấn mạnh, phương pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng tốt nhất là công khai, minh bạch. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.

Phúc Hưng (ghi)