Đà Nẵng xây dựng “Thành phố thông minh hơn”
(Dân trí) - Sáng 14/8, thành phố Đà Nẵng chính thức công bố việc triển khai thành công giai đoạn đầu của dự án “Giao thông thông minh hơn” và “Nước thông minh hơn” với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đà Nẵng là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng dân số khá cao hàng năm, thuộc một trong những đô thị có tỷ lệ tăng dân số cao nhất trong cả nước. Trước áp lực đặt lên các nguồn tài nguyên xuất phát từ sự gia tăng dân số, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng đang tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất để tăng cường năng lực quản lý và nâng cao tính hiệu quả của các hệ thống hạ tầng tại thành phố.
Sử dụng giải pháp Trung tâm Điều hành thông minh, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang ưu tiên giải quyết hai vấn đề quan trọng nhất đang có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống tại thành phố là “Giao thông vận tải” và “Quản lý nước sạch”. Trung tâm Điều hành thông minh cung cấp thông tin tổng hợp về các hoạt động và các sự cố thông qua bản đồ, bảng điều khiển và cảnh báo, từ đó cho phép chính quyền thành phố và các cơ quan chuyên môn theo dõi các xu thế, dự báo nhu cầu và quản lý tốt hơn cơ sở vật chất và hạ tầng của Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Thường trực - Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin TP Đà Nẵng cho biết: “Xây dựng thành phố thông minh hơn nói một cách dễ hiểu là xây dựng một đô thị, trong đó mọi tài nguyên được khai thác, quản lý và sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học của công nghệ thông tin và truyền thông, nhằm mục đích không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến xây dựng một thành phố phát triển bền vững và đáng sống!
"Với tầm nhìn xây dựng một thành phố năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng giải quyết những vấn đề an sinh, môi trường, chính quyền TP Đà Nẵng đã và đang thực hiện những bước đi mang tính đột phá mạnh mẽ trong phát triển đô thị, mạnh dạn sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất để xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng thành phố nhằm từng bước cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao cho người dân, cho du khách. Và nước sạch, giao thông vận tải, chính là hai lĩnh vực đầu tiên mà chúng tôi lựa chọn để áp dụng một số công nghệ tiên tiến”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo dõi các tuyến xe buýt qua Trung tâm
Việc bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn nước có chất lượng cao cho hơn một triệu người dân, khách du lịch và hoạt động công nghiệp và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, Công ty Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) đang triển khai một chương trình mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và trang thiết bị xử lý nước.
DAWACO sẽ sử dụng Trung tâm Điều hành thông minh để phân tích và giám sát theo thời gian thực nguồn cung cấp nước của toàn thành phố. Nếu như trước đây các mẫu nước thường được thu thập và phân tích thủ công, thì với các thiết bị cảm biến mới được lắp đặt trong toàn bộ hệ thống xử lý nước hiện nay, DAWACO có thể đo lường độ đục, độ mặn, độ dẫn điện, độ pH và nồng độ clo theo thời gian thực. Giải pháp Nước thông minh của IBM sẽ giúp các cán bộ, nhân viên của DAWACO nắm bắt tình hình vận hành của hệ thống nước ngay tức thì, hay nhận được các cảnh báo và thông báo khi các chỉ số bị lệch chuẩn hoặc khi kết quả phân tích cho biết chất lượng nước đã thay đổi.
Để đối phó với nguy cơ ùn tắc giao thông phát sinh trong quá trình đô thị hóa, thành phố Đà Nẵng đang đầu tư vào mạng lưới giao thông công cộng và mở rộng hệ thống vận chuyển cao tốc bằng xe buýt nhanh. Trọng tâm của hoạt động đầu tư này là một trung tâm điều hành giao thông mới, nơi các cơ quan chức năng thành phố có thể theo dõi mật độ tham gia giao thông và điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông của thành phố qua một bảng điều khiển.
Sử dụng các công nghệ xử lý dữ liệu khổng lồ và phân tích mang tính dự báo, Trung tâm điều hành Giao thông thành phố Đà Nẵng sẽ có các công cụ để dự báo và phòng tránh những nguy cơ ùn tắc tiềm ẩn, đồng thời điều phối tốt hơn hoạt động đối phó của thành phố. Dữ liệu từ nhiều hệ thống có thể được tích hợp, lưu trữ toàn phần để phân tích phục vụ mục đích thống kê, đối soát và chỉ ra những bất cập.
Khánh Hồng