1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đà Nẵng tranh luận phương án quy hoạch cảng biển

(Dân trí) - Sau nhiều ý kiến chuyên gia tranh luận nên triển khai dự án Cảng Liên Chiểu hay mở rộng quy mô Cảng Tiên Sa hiện nay, Đà Nẵng vẫn chưa chốt phương án quy hoạch cảng biển trong quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Chiều 7/11, chính quyền TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố. Tham dự hội thảo do ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, đại diện Bộ Giao thông vận tải, đơn vị tư vấn quy hoạch chung Đà Nẵng, các hiệp hội, công ty tư vấn, chuyên gia trong lĩnh vực.

Đà Nẵng tranh luận phương án quy hoạch cảng biển - 1

Hội thảo phương án quy hoạch cảng biển tại Đà Nẵng

Nhà tư vấn quy hoạch Đà Nẵng nghiêng về cảng Tiên Sa

Tại Hội thảo, đại diện nhà tư vấn Surbana Jurong (Singapore) - một trong các nhà tư vấn độc lập quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đưa ra hai phương án: một là, triển khai dự án cảng Liên Chiểu với định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng Logistics tại khu vực miền Trung; hai là, không làm cảng Liên Chiểu mà mở rộng quy mô cảng Tiên Sa hiện có ở Đà Nẵng.

Nhà tư vấn đến từ Singapore nghiêng về lựa chọn cảng Tiên Sa, tư vấn mở rộng vùng mặt nước từ cảng hiện nay đến chân cầu Thuận Phước với chiều dài bờ biển gần 6 km, khu biệt các cầu cảng hàng hoá và cảng tàu du lịch biển.

Đà Nẵng tranh luận phương án quy hoạch cảng biển - 2

Nhà tư vấn quy hoạch TP Đà Nẵng nêu vấn đề triển khai dự án cảng Liên Chiểu ảnh hưởng môi trường và cảnh quan tự nhiên của vịnh Đà Nẵng

Đà Nẵng tranh luận phương án quy hoạch cảng biển - 3

Nghiêng về lựa chọn phương án mở rộng cảng Tiên Sa

Đại diện Surbana Jurong trình bày, nếu làm cảng Liên Chiểu có thể ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan tự nhiên vịnh Đà Nẵng đầy tiềm năng để phát triển du lịch biển. Nếu quyết làm cảng biển ở đây thì tương lai không thể lấy lại cảnh quan tự nhiên. Thêm vào đó, ngay phía bắc Đà Nẵng đã có cảng Chân Mây của tỉnh Thừa Thiên Huế rồi.

Còn mở rộng cảng Tiên Sa hiện nay thì cần giải phóng mặt bằng, và quy hoạch một vùng đệm để làm cảng phục vụ tàu du lịch biển, không ảnh hưởng đến hoạt động cảng hàng hoá.

Chuyên gia phản biện: Đà Nẵng muốn Logistics, phải làm cảng Liên Chiểu

Phản biện đề xuất của nhà tư vấn Surbana Jurong, chuyên gia của Jica (Nhật Bản) góp ý quan ngại nếu mở rộng cảng Tiên Sa thì giải phóng mặt bằng là một vấn đề rất lớn, trước hết là rất tốn thời gian. Thêm vào đó vùng cảng Tiên Sa khá hẹp nên khi mở nhiều làn đường, theo đề xuất của nhà tư vấn là 15 làn đường, không tránh khỏi chật chội, áp lực giao thông đô thị. Việc nâng công suất cảng Tiên Sa cũng là một “bài toán khó”.

Đà Nẵng tranh luận phương án quy hoạch cảng biển - 4

Nhiều chuyên gia phản biện mở rộng cảng Tiên Sa là "bài toán khó"

Đà Nẵng tranh luận phương án quy hoạch cảng biển - 5

Nhiều chuyên gia phản biện phát triển cảng Tiên Sa không tránh khỏi cảnh chật chội, nhất là cùng tuyến có cả đường ra vào cảng và đường nội đô

Đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực cũng lưu ý cảng Tiên Sa gắn với bán đảo Sơn Trà, có vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, nên thận trọng với ý tưởng mở rộng quy mô cảng Tiên Sa.

Ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng nói rằng Đà Nẵng muốn làm giàu thì nhắm tới Logistics, chắc chắn thu nhiều hơn nguồn thu từ du lịch bội phần. Và đã nhắm Logistics thì phải triển khai dự án cảng Liên Chiểu ngay và luôn, để đến năm 2025, chuyển hàng hoá từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu, khi cảng hiện nay sắp chạm ngưỡng “quá tải” công suất của một cảng đã “già”.

Đà Nẵng tranh luận phương án quy hoạch cảng biển - 6

Ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng nói muốn giàu phải làm ngay cảng Liên Chiểu mới vào được sân chơi Logistics

Đại diện công ty tư vấn xây dựng công trình cảng biển trong nước cho rằng, nếu muốn quy hoạch cảng biển Đà Nẵng mang tầm cảng biển quốc gia, cửa ngõ thông thương quốc tế (loại 1A) thì việc làm cảng Liên Chiểu sớm hay muộn gì cũng phải làm. Và hiện nay, hành lang pháp lý để triển khai dự án cảng Liên Chiểu rất thuận lợi khi Trung ương đã ghi vào Nghị quyết 43 dành cho Đà Nẵng.

Cần xác định “mũi nhọn” kinh tế của Đà Nẵng, gắn với phát triển vùng

Đưa ra nhiều quan điểm riêng ở nhiều góc độ khác nhau, song đa số ý kiến tại hội thảo đồng nhất cho rằng dữ liệu thông tin cung cấp tại Hội thảo chưa đủ để làm cơ sở phân tích phương án nào là tối ưu hơn. Và chọn phương án nào cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng tác động môi trường cũng như xác định thế mạnh, “mũi nhọn” kinh tế - xã hội của Đà Nẵng là thành phố du lịch biển hay trung tâm Logistics.

Việc quan trọng không phải là cảng Liên Chiểu đã đưa vào Nghị quyết thì không thể bỏ được. Nếu cần thì vẫn phải thay đổi. Quan trọng là cần phương án nào tối ưu với tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế biển của vùng chứ không phải riêng cho Đà Nẵng; phát triển cảng biển phải liên kết với các địa phương trong khu vực, nên bỏ tư duy mạnh ai nấy làm như lâu nay.

Đà Nẵng tranh luận phương án quy hoạch cảng biển - 7

Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP kết luận Hội thảo chưa chốt phương án quy hoạch cảng Đà Nẵng

Ghi nhận các ý kiến và phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị nhà tư vấn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố phải đưa ra đầy đủ dữ liệu thông tin để rộng đường dư luận góp ý phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn . Đơn vị tư vấn “chốt” đề xuất phương án nào phải trình bày rõ ràng, chi tiết quan điểm tư vấn đưa ra dựa trên những cơ sở nào, và cần lưu ý thời gian không còn nhiều.

Tâm An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm