1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Đà Nẵng: Hãi hùng mỏ đá Phước Thuận!

(Dân trí) - Sau cơn bão Xangsane, có người dân nói vui rằng: “Trong cái rủi có cái may. Rủi thì rõ quá rồi. Nhưng may vì người dân không còn phải nghe tiếng nổ mìn phá đá, tiếng ầm ĩ của xe chở đá và hít đủ thứ bụi từ mỏ đá Phước Thuận”.

Từ gần chục năm nay, người dân thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng phải học cách sống chung với bụi và tiếng ồn. Bụi xuất hiện ở khắp nơi, len lỏi vào từng bát cơm; bụi đến từ những chiếc máy nghiền, từ những chuyến xe chở đá. Những tiếng nổ đinh tai, chát chúa của mìn phá đá làm rung chuyển cả những ngôi nhà. Nỗi hãi hùng của dân mang tên “mỏ đá Phước Thuận”.

 

Ông Nguyễn Văn Lô, trưởng thôn Phước Thuận, cho chúng tôi biết: Hiện tại ở Hòa Nhơn có khoảng 10 đơn vị khai thác đá thì Phước Thuận đã chiếm tới 7 công ty. Những lúc cao điểm, có đến khoảng 300 chuyến xe tải hạng nặng chạy liên tục trên con đường thôn nhỏ hẹp, gây ra những tiếng gầm rú, tuôn hàng tấn bụi và gây nguy hiểm cho người đi đường.

 

Chị Đặng Thị Ba than thở: “Bụi gì mà bụi khiếp quá chú ơi. Nhà tui cả ngày có dám mở cửa đâu. Nhà mặt tiền như tui đâm ra lại quá khổ. Người lớn không nói, chỉ thêm tội mấy đứa con nít suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trong nhà với cái tivi, bởi ai mà dám cho tụi nó ra đường để hít bụi ”                    

 

Cũng do các hoạt động khai thác làm hết công suất mà con đường liên thôn trải nhựa giờ đã “hóa” thành đường đất, nát bét, mùa nắng mù mịt bụi, mùa mưa lầy lội bùn đất, lỗ chỗ ổ gà, ổ voi. Quỹ đất nông nghiệp ở đây cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng do các công ty thi nhau bóc lớp đất phủ để khai thác đá. Khe trữ nước sản xuất hiện tại cũng bị khô cạn do đập nước đã bị ngăn phục vụ cho lợi ích của các đơn vị khai thác.

 

Mặc dù các công ty đã đền bù thiệt hại cho người dân, với mức 550.000 đồng/sào, nhưng liệu số tiền đó có đủ cho họ kiếm kế sinh nhai lâu dài? Ngoài ra, sức khỏe của người dân nơi đây đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bụi và tiếng ồn, ai là người chịu trách nhiệm?

 

Các công ty cũng đã chi tiền cho một số hộ nằm sát bên đường để họ lo quét bụi và xịt nước, nhưng với công suất hoạt động như hiện nay, không sức người nào có thể là xuể. Nghe đâu thành phố đã giao cho một đơn vị xuống khảo sát để lên dự án nâng cấp đường thành đường 7,5 mét, thay  cho đoạn đường rộng 5 mét như hiện nay, nhưng không hiểu sao công tác khảo sát hoàn thành cả năm trời rồi mà vẫn không thấy động tĩnh gì.

 

Quá bức xúc, không ít lần người dân đã tự ý ngăn đường bằng đá, thân cây để cản các luồng xe qua. Chính quyền địa phương và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đã có lần kiểm tra, xử lý nhưng rồi cuối cùng đâu lại vào đấy.

 

Chúng tôi đến thôn Phước Thuận đúng vào lúc các lãnh đạo xã đang đi lo khắc  phục hậu quả của cơn bão Xangsane. Bản thân thôn Phước Thuận cũng bị thiệt hại nặng nề sau bão, với 49 căn nhà bị sập hoàn toàn và hàng chục căn nhà khác bị tốc mái.

 

Không gặp được các anh nhưng qua phản ánh của người dân, chúng tôi biết ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn đang là những vấn đề vượt quá tầm tay của chính quyền xã. Điều này một lần nữa cho thấy sự lúng túng của các cấp chính quyền trong việc giải quyết mối liên quan giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng dân cư.

 

Lê Tấn Quỳnh

(Văn phòng đại diện miền Trung)