Đà Nẵng: Cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố
Bắt đầu từ ngày 1/7/2005, chủ trương cấm bán hàng rong trên một số tuyến đường TP Đà Nẵng sẽ chính thức được triển khai. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chủ trương này với mục tiêu văn minh hóa đô thị.
Những đối tượng nào nằm trong diện cấm và vấn đề xử lý vi phạm ra sao, bà Trần Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP Đà Nẵng) - cho biết:
Theo Quyết định 43/2005 của UBND TP, trước mắt sẽ làm thí điểm trên 5 tuyến đường (Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương) và ba khu vực (cầu Sông Hàn, Bảo tàng điêu khắc Chămpa, Quảng trường 2-9).
Những đối tượng hàng rong bị cấm bán trên các tuyến đường này gồm: bán dạo sách báo, đánh giày, các loại hàng rong di động. Riêng người bán vé số không nằm trong diện cấm.
Chúng tôi sẽ phối hợp Sở Tài chính để có quy chế riêng quản lý những người này và dự kiến sẽ cấp thẻ hành nghề để quản lý. Tuy nhiên những người bán vé số tại các tuyến thuộc diện cấm hàng rong nếu chèo kéo khách cũng sẽ bị xử lý.
Trường hợp vi phạm sẽ xử lý ra sao?
Trước mắt, trách nhiệm quản lý được giao cho UBND các quận, trong đó tăng cường trách nhiệm cho các phường. Theo quy chế xử lý, phường nào làm tốt sẽ được khen thưởng, phường nào để người bán hàng rong xuất hiện, lãnh đạo phường sẽ phải chịu trách nhiệm.
Việc kiểm tra, xử lý này lâu dài sẽ giao cho công an và lực lượng thanh niên xung kích. Đối với người bán hàng rong trên các tuyến đường cấm hoặc vi phạm quy định như đeo bám khách, dùng loa, mang theo trẻ em... khi bán hàng rong ở các tuyến phố khác đều bị lập biên bản cảnh cáo.
Trước mắt, sẽ xử lý ở mức răn đe để tuyên truyền. Theo đó nếu phát hiện tái phạm lần thứ hai sẽ bị phạt tiền từ 20.000 đến 500.000 đồng tùy mức độ vi phạm.
Nếu vi phạm lần thứ ba, đối với người có hộ khẩu ở Đà Nẵng sẽ lập thủ tục giao cho UBND các quận, huyện, xã, phường giáo dục, quản lý; người ngoại tỉnh sẽ bị xử lý bằng biện pháp đưa lên Trung tâm bảo trợ xã hội để đưa về địa phương hoặc đào tạo nghề.
Vấn đề lâu dài và then chốt là chuyển đổi nghề cho những người bán hàng rong đang được quan tâm như thế nào?
Theo số liệu điều tra của công an TP Đà Nẵng năm 2004, toàn TP Đà Nẵng có hơn 3.000 người bán hàng rong, trong đó phần lớn là người ngoại tỉnh.
Để thực hiện triệt để và lâu dài việc bán hàng rong trên các tuyến này và sẽ tiếp tục triển khai ở nhiều tuyến đường khác, hiện chúng tôi đang đề nghị các phường điều tra kỹ về số liệu để có chủ trương hỗ trợ chuyển đổi nghề cho họ.
Trách nhiệm này sẽ do các địa phương đảm trách, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội sẽ đề xuất các phương án hỗ trợ và giúp đỡ về chính sách.
Đối với những người ngoại tỉnh, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng mô hình để tổ chức sắp xếp bố trí cho họ hoạt động ở một số nơi cố định.
Về lâu dài, sẽ tập trung những người ngoại tỉnh về Trung tâm bảo trợ xã hội để đưa họ hồi hương hoặc giữ lại để đào tạo chuyển đổi nghề.
Theo Thanh niên