1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đà Lạt: Đào đãi thiếc trái phép ở thung lũng Tình yêu

Nạn đào đãi thiếc trái phép tại rừng thông, thuộc khu vực quản lý của khu du lịch thung lũng Tình yêu (công ty Dịch vụ Du lịch Thanh niên Đà Lạt) từng bùng phát hồi giữa năm 2005, sau đó đã tạm lắng. Nhưng dịp trong và sau Tết Bính Tuất, lợi dụng lúc các ngành chức năng lo “ăn tết”, nạn “thiếc tặc” lại hoành hành.

Cụ thể là tại khu vực lô A2, A3, khoảnh 111, tiểu khu 144 (thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng Lâm Viên), hàng ngày, thường là vào lúc chạng vạng và ban đêm, có hàng chục người ngang nhiên dùng cuốc, xà beng đi vào khu vực bãi thiếc để đào đãi.

Lúc 14 giờ ngày 25/1/2006, khoảng 20 “thiếc tặc” đã khống chế nhân viên bảo vệ của công ty, không cho điện báo tình hình với lãnh đạo, đồng thời ngang nhiên cắt hàng rào bảo vệ để đào hầm lấy quặng.

Chỉ đến khi lực lượng cảnh sát 113 được tăng cường thì chúng mới chạy vào rừng. Lực lượng cảnh sát 113 đã bắt được 2 đối tượng, bàn giao cho công an phường 8 xử lý. Tuy nhiên, khi cảnh sát 113 rút đi, chúng lại tiếp tục đào, đãi.

Những ngày Tết Bính Tuất, tình hình đào đãi thiếc tiếp tục diễn biến phức tạp với quân số đông đảo hơn, hung hăng hơn.

Lãnh đạo Công ty Dịch vụ Du lịch Thanh niên Đà Lạt cho biết, công tác ngăn chặn đào thiếc trong khu vực công ty “đang hết sức khó khăn do lực lượng bảo vệ ít, chức năng hạn chế, bọn đào đãi lại đông và rất coi thường pháp luật, sẵn sàng uy hiếp tính mạng của bảo vệ nên gây tâm lý bất an trong anh em”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nạn đào đãi thiếc ở đây bùng phát trở lại từ 2 năm qua, đã có lúc gây mất ăn mất ngủ cho lãnh đạo TP Đà Lạt nhưng do không giải quyết đến nơi đến chốn nên ngày càng phức tạp hơn.

Hiện các tên “thiếc tặc” đều dùng điện thoại di động để liên lạc với nhau, cử người canh gác, khi có công an vào là báo động cho đồng bọn. Ngoài ra, còn có sự tiếp tay của các chủ vận chuyển và các đầu nậu mua bán quặng thiếc.

Khi được hỏi về tình hình đào đãi thiếc trái phép ở đây, ông Nguyễn Quang Thiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt chỉ còn biết lắc đầu trả lời: “Phức tạp quá”.

Một người dân ở gần khu vực cho biết, không loại trừ có sự tiếp tay “bảo kê” của chính nhân viên của công ty khiến nạn “thiếc tặc” diễn biến thêm phần phức tạp.

Để bảo vệ cảnh quan môi trường của một danh thắng đã được xếp hạng quốc gia và để lập lại kỷ cương, đã đến lúc cần có sự chỉ đạo gắt gao của các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng. 

Theo Y.V.
Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm