Đồng Tháp:
Đã khắc phục xong cây cầu bê tông bị xe tải "hạ gục"
(Dân trí) - Thông tin từ UBND huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tài xế xe tải làm sập cầu đã đến trình diện công an địa phương. Việc có khởi tố vụ án hay không, UBND huyện đã giao cho công an huyện tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Ngày 7/6. trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Sự - Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết khoảng 18h chiều qua (6/6), địa phương đã hoàn thành việc khắc phục cầu Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh). Ngay sau đó, địa phương cho thông xe (người đi bộ và xe mô tô) và khơi thông luồng kênh Tháp Mười số 2 (kênh Nguyễn Văn Tiếp).
Hiện Sở GTVT phối hợp với ngành chức năng kiểm tra lại hai trụ chính, sau đó, địa phương mới có biển báo tải trọng qua cầu Tân Nghĩa.
Liên quan đến thiệt hại về vật chất, chi phí khắc phục cầu Tân Nghĩa sau khi bị sập, ông Sự cho biết, toàn bộ phần này UBND tỉnh giao cho Sở GTVT thực hiện.
Riêng trách nhiệm của tài tế, chủ xe trong vụ sập cầu, ông Sự cho biết, UBND huyện đã giao cho Công an huyện tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân, nếu đủ cơ sở thì khởi tố vụ án. Hiện công an huyện vẫn đang thực hiện.
Như Dân trí đã phản ảnh, vào lúc 13h30 phút ngày 31/5, trên tuyến đường huyện Tân Nghĩa- Gáo Giồng thuộc địa phận xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra sự có sập cầu Tân Nghĩa .
Nguyên nhân chính được xác định là do xe tải có tổng trọng lượng gần 30 tấn (thân xe và hàng hóa) cố lưu thông qua cầu Tân Nghĩa, trong khi tải trọng cho phép qua cầu chỉ 8 tấn.
Hiện công an huyện Cao Lãnh vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ sập cầu, vẫn chưa khởi tố vụ án (ảnh Minh Đông)
Ngay sau sự cố xảy ra, UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT có ý kiến chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Ngày 1/6, trong lúc cần cẩu bốc xe tải lên bờ thì bất ngờ cần cẩu bị gãy đôi. Xe tải bị rơi xuống sông lần thứ 2. Ngay sau đó, địa phương phải điều phương tiện và cần cẩu khác để tiếp tục việc trục vớt xe tải, nhịp chính cầu nhằm khơi thông lồng sông cho tàu thuyền qua lại.
Được biết, cầu Tân Nghĩa được đầu tư theo hình thức BOT, tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ năm 2007 và kết thúc vào 30 tết 2019. Cầu có chiều dài cầu 150m (gồm 8 nhịp dầm bê tông cốt thép và 1 nhịp giữa dài 30m), mặt cầu rộng 4,2m; tải trọng khai thác là 8 tấn.
Nguyễn Hành