1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đã đến lúc thủy điện chia sẻ lợi ích với người dân”

(Dân trí) - Trong lúc thời sự đang sôi sục về chuyện các công trình thủy điện khu vực miền Trung đua nhau xả lũ gây thiệt hại cho người dân, một cuộc hội thảo với chủ đề “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” được tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam).

Hội thảo diễn ra ngày 3/10 do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức nhằm tìm tiếng nói chung về việc chia sẻ lợi ích cũng như các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư… giữa các chủ đầu tư dự án thủy điện, người dân trong vùng ảnh hưởng, các nhà quản lý và khoa học.

“Đã đến lúc thủy điện chia sẻ lợi ích với người dân”
Hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức

Ông Đặng Phong - nguyên Chủ tịch huyện Bắc Trà My (hiện là Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam) - nơi có thủy điện Sông Tranh 2 “nổi tiếng” vì liên quan đến động đất, cho rằng, làm thủy điện chỉ có “xấu xí” với môi trường mà thôi. Ông phát biểu: “Việc đền bù cho người dân trong vùng dự án là những tài sản hữu hình; nhưng tài sản vô hình là văn hóa, là phong tục tập quán của đồng bào dân tộc mất đi không bao giờ thấy được và lấy lại được”.

Ông Phong đề nghị: “Người dân đã hy sinh quá nhiều vì thủy điện nên đã đến lúc thủy điện phải chia sẻ lợi ích cho người dân nhưng không phải lấy từ thuế mà từ nguồn thu của thủy điện”.

Hội thảo cũng đã mời nhiều người dân trong vùng ảnh hưởng của các dự án thủy điện lớn như A Lưới (TT-Huế), Sông Tranh 2 (Quảng Nam) và người dân vùng hạ du chịu ảnh hưởng của thủy điện.

Bà Trần Thị Kim Hoa (trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) - nơi hứng chịu nhiều ảnh hưởng của các dự án thủy điện trên thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cho rằng từ khi các công trình thủy điện xây dựng và đưa vào sử dụng, dòng sông nơi bà ở khô cạn vào mùa nắng và lũ dữ vào mùa mưa. Chưa hết, khi lũ rút đi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị cát bồi lấp khiến người dân không thể sản xuất được. Trái với trước đây khi chưa có thủy điện, lũ về chỉ mang phù sa đến cho ruộng đồng.

Bà Hoa kể câu chuyện thời sự nóng hổi ở địa phương bà khi vào chiều ngày 2/10, người dân có tin đồn vỡ đập thủy điện, hàng ngàn người dân trong xã và các xã lân cận hoảng loạn mua lương thực, thực phẩm rồi dắt trâu, bò, heo, gà cùng nhau… chạy lũ. Thực tế chỉ là việc thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ do mưa lớn ở thượng nguồn nhưng thông tin đến người dân thì lại là… vỡ đập.
 
Bà Trần Thị Kim Hoa - người dân nơi rốn lũ huyện Đại Lộc (Quảng Nam).
Bà Trần Thị Kim Hoa - người dân nơi rốn lũ huyện Đại Lộc (Quảng Nam).
 
 
Bà Phan Thị Qua, người bị ảnh hưởng của hồ thủy điện, thủy lợi Tả Trạch ở Thừa Thiên - Huế liệt kê tới 2 trang giấy về những vấn đề mà bà cùng người dân tái định cư (TĐC) bức xúc.

Bà cho biết đời sống người dân TĐC bị xáo trộn, văn hóa cộng đồng, lao động sản xuất, nghề nghiệp bị thay đổi… Bên cạnh đó là vấn đề tâm linh khi vẫn còn nhiều ngôi mộ của người dân chưa kịp di dời đến nơi khác…

Bà Qua cũng kê ra hàng loạt khó khăn khác như khu TĐC xa trung tâm xã, không có chợ, giao lưu kinh tế vì thế khó khăn, thiếu đất sản xuất, không có đất sản xuất lúa nước nên không chủ động được nguồn lương thực, trình độ dân trí thấp nên không thể làm công nhân, trẻ em bỏ học giữa chừng…

Anh Hồ Văn Lớp (khu TĐC thủy điện A Lưới, TT-Huế) than thở, đất khu TĐC cằn cỗi, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, đường đi khó khăn, đền bù cho người dân không thỏa đáng…

Đó là những người dân trong vùng dự án, còn những người dân ở ngoài vùng dự án cũng bị ảnh hưởng bởi thủy điện thì sao? Ông Lê Văn Tuấn – Chánh văn phòng huyện Bắc Trà My dẫn chứng tại địa phương ông, nơi có thủy điện Sông Tranh 2.
 
Khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 bỏ hoang vì không hợp với cuộc sống của người dân bản địa
Khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 bỏ hoang vì không hợp với cuộc sống của người dân bản địa

Ông cho biết, người dân ở thị trấn Bắc Trà My không nằm trong vùng dự án nhưng với những gì mà thủy điện Sông Tranh 2 gây ra động đất cũng làm cho người dân mất ăn mất ngủ, rồi cán bộ huyện phải tốn nhiều thời gian để giải quyết những ý kiến của người dân do động đất gây ra thì có được “đền bù” không?

Nói về vấn đề “được và mất” của thủy điện, đại diện Sở NN-PTNT Quảng Nam – ông Nguyễn Minh Tuấn - cho rằng bên cạnh những mặt được của thủy điện ai cũng thấy như bổ sung nguồn điện quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách, điều tiết nước các hồ chứa… thì những tác động tiêu cực của thủy điện cũng rất lớn.

Theo ông Tuấn, các khu TĐC quy hoạch chưa hợp lý như bố trí TĐC vào các khu vực rừng phòng hộ, không bố trí đủ đất sản xuất cho người dân tái định cư; ngoài việc phải mất rừng để xây dựng các khu tái định cư thì việc người dân phải chuyển đến nơi ở mới thiếu đất sản xuất, đất đai xấu hơn, sản xuất không ổn định, xây dựng chuồng trại chăn nuôi… dẫn đến việc rừng tiếp tục bị xâm hại.
 
Khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 bỏ hoang vì không hợp với cuộc sống của người dân bản địa
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ ngày 2/10 khiến người dân vùng hạ du thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hoảng hốt vì tưởng vỡ đập

Tại một số dự án thủy điện, việc xây dựng nhà TĐC chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương nên người dân ít sử dụng nhà mà phải khai thác gỗ xây dựng lại nhà cửa mới để ở, gây lãng phí và mất rừng rất nhiều.

Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các ban, ngành có chức năng lập quy hoạch, bố trí đất sản xuất cho người dân mất đất để xây dựng công trình chưa chặt chẽ và hợp lý.

Phần lớn người bị thu hồi đất có trình độ học vấn thấp, hoặc đã lớn tuổi nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn; kể cả việc tuyển dụng vào làm tại các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do trình độ lao động không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn nhiều nan giải, thiếu tính đa dạng, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và tập quán của người dân.

Bên cạnh đó, tính công khai, dân chủ trong tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC tại một số địa phương chưa đảm bảo theo quy trình, quy định. Chưa tổ chức được nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân trong vùng dự án để kịp thời xử lý những vướng mắc, giải quyết tâm tư và bức xúc của nhân dân trong vùng thực hiện dự án.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn - cố vấn VRN cũng trình bày những cái “được” của thủy điện như tạo ra nguồn điện để phát triển công nghiệp và dân dụng, kiểm soát lũ, tạo nguồn cung cấp nước và nuôi cá lòng hồ, có thể giảm phát thải surfur và nitrogen oxides (nếu phải dùng nhiệt điện)…
 
Khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 bỏ hoang vì không hợp với cuộc sống của người dân bản địa
Một cánh đồng màu mỡ thành cánh đồng cát tại xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) sau trận “đại hồng thủy” năm 2009

Tuy nhiên, hệ quả của thủy điện cũng không phải là ít như mất nhiều diện tích rừng và làm suy giảm đa dạng sinh học khu vực, nguy cơ vỡ đập và trở thành thảm họa hủy diệt nhiều nhân mạng và tài sản, làm giảm nguồn cá di cư và nguồn cung cấp các chất vi dinh dưỡng cho cá, tạo vấn đề di dân và gia tăng các bất công xã hội, ngăn cản giao thông thủy và hạn chế vận tải hàng hóa…

Giải pháp nào để tạo sự phát triển năng lượng cho quốc gia, đồng thời hạn chế tối đa các tác hại đến môi trường và sinh kế cho người dân? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng cần tạo một chiến lược đồng thuận trong hợp tác phát triển năng lượng và tài nguyên nước bền vững.

“Cần tạo điều kiện để các nhà khoa học và cộng đồng địa phương được tham gia phản biện trong quá trình ra quyết định”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn phát biểu. 

Công Bính